Giá mua điện mặt trời mái nhà giảm?
Theo đó, ngoài việc vẫn duy trì giá cố định với mức giá dự kiến giảm mạnh, chỉ còn 5,2 - 5,8 cent/kWh với từng loại công suất dự án, dự thảo cũng đưa ra nhiều điểm mới để phát triển điện mặt trời áp mái.
Mức giá của từng dự án sẽ phụ thuộc vào quy mô công suất hệ thống lắp đặt, quy mô càng to giá sẽ càng thấp nhằm khuyến khích hộ gia đình lắp đặt hơn các trang trại, khu nhà công nghiệp, thay vì tất cả các loại hình điện áp mái đều có một mức giá như trước đây.
Hiện tại, xây dựng dự thảo về cơ chế giá điện mặt trời áp mái, hiện đã cơ bản hoàn thiện sau nhiều vòng lấy ý kiến để tới đây trình Thủ tướng phê duyệt.
Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo liên quan đến cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái với mức giá dự kiến giảm mạnh và ban hành trong tháng 3 này.
Dự kiến dự thảo được trình Chính phủ và sớm ban hành trong tháng 3, nhằm thay thế một phần quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời vốn đã hết hiệu lực từ ngày 31.12.2020.
Với quyết định này, giá mua điện mặt trời mái nhà được áp ở mức 8,38 cent/kWh (1.943 đồng/kWh), áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Trả lời về dự thảo đưa ra mức giá giảm khá sâu so với giá FiT hiện nay, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, trong xây dựng cơ chế chính sách giai đoạn tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu ý kiến của các địa phương và các doanh nghiệp để xử lý bất cập và tồn tại trong thời gian vừa qua, theo hướng tiếp tục khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà theo cơ chế giá bán điện cố định
Thứ hai là sẽ có giá bán điện mặt trời áp mái phụ thuộc vào quy mô công suất của hệ thống điện mặt trời - quy định về tỷ lệ điện tiêu dùng bắt buộc đối với các hộ sản xuất, bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
"Mức giá được xây dựng trên cơ sở cơ quan tư vấn nước ngoài nghiên cứu, đánh giá về sự thay đổi, phát triển của năng lượng tái tạo, giá thiết bị điện mặt trời ở Việt Nam và trên thế giới", ông Dũng nói.
Nên sang cơ chế FiT 3, theo hướng thấp đi từ 6,7 đến 6,9 UScents/kWh
Nêu quan điểm về cơ chế giá mới cho loại năng lượng tái tạo này, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng khoa học, Ủy viên BCH Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay, với các dự án điện mặt trời quy mô lớn cần phải chuyển sang cơ chế đấu thầu, đảm bảo tính hội nhập, cạnh tranh và tính thị trường.
Việc áp dụng cơ chế đầu thầu cũng giúp cho chủ đầu tư giảm chi phí sản xuất kinh doanh, người dân được mua điện giá rẻ. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư cần tính toán để có nguồn phát "hấp dẫn nhất".
Đối với cơ chế điện mặt trời mái nhà, ông Tuấn cho biết, nên sang cơ chế FiT 3, theo hướng thấp đi từ 6,7 đến 6,9 UScents/kWh.
Lý giải về điều này, theo ông Tuấn, điện mặt trời ở Việt Nam và thế giới phát triển nhanh, kéo theo công nghệ, hiệu suất cao, giá thành rẻ nhanh, nên nhà đầu tư sẽ giảm đuọc nhiều chi phí sản xuất. Ông Tuấn tính toán từ năm ngoái đến năm nay, giá thành thiết bị cho dự án điện mặt trời có thể giảm 30-40%.
“Trước kia, chúng ta chỉ có những tấm pin mặt trời 320-380W, giờ chúng ta đã có những tấm pin 450W, sang năm nay 2021 có thể lên tới 650W. Như vậy, thiết bị ngày càng hiện đại, giá thành giảm đi thì chi phí sản xuất cũng phải tính toán tiết giảm", ông Tuấn phân tích.
Điều này đồng nghĩa với việc, giá FiT trong lần điều chỉnh này sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm để tiếp cận gần hơn với cơ chế thị trường.
Theo Lao động