Thứ Sáu, 22/11/2024 23:07:34 GMT+7
Lượt xem: 363

Tin đăng lúc 23-01-2024

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và thế giới rút ngắn khoảng cách

Do các nước liên tục điều chỉnh tăng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và một số nước truyền thống như Thái Lan, Pakistan, Myanmar… đang rút dần mức chênh lệch.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và thế giới rút ngắn khoảng cách
Giá gạo Việt Nam cao nhất trong các nước xuất khẩu gạo truyền thống, nhưng gạo Việt vẫn được doanh nghiệp nước ngoài tìm mua nhiều vì chất lượng ổn định

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và các nước xích lại gần nhau

 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 22.1.2024, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 652 USD/tấn, giảm 1 USD/tấn so với 5 ngày trước đó; giá gạo 25% tấm ở mức 617 USD/tấn, giảm 3 USD/tấn so với 5 ngày trước đó.

 

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan ở mức 648 USD/tấn, tăng 7 USD/tấn so với 5 ngày trước; giá gạo xuất khẩu 25% tấm của Thái Lan chào bán ở mức 581 USD/tấn, tăng 4 USD/tấn so với 5 ngày trước.

 

Sau khi tăng thêm 7 USD, giá gạo xuất khẩu của Pakistan ngày 22.5 đang ở mức 625 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 562 USD/tấn, tăng 6 USD/tấn.

 

Với mức điều chỉnh trái chiều (Việt Nam điều chỉnh tăng, các nước điều chỉnh giảm), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và các nước đang thu hẹp mức chênh lệch, tăng cơ hội cạnh tranh nhiều hơn cho gạo Việt.

 

Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ cao hơn gạo Thái Lan 4 USD/tấn (gạo 5% tấm) và 26 USD/tấn (gạo 25% tấm).

 

Cao hơn gạo Pakistan 27 USD/tấn (gạo 5% tấm) và 55 USD/tấn (gạo 25% tấm).

 

Cao hơn gạo Myanmar 43 USD/tấn (gạo 5% tấm)... Trong khi đó, thời điểm những tháng cuối năm 2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn một số nước khoảng 50-60 USD, thậm chí cao hơn tới 100 USD/tấn (Pakistan).

 

Nắm bắt cơ hội để xuất khẩu gạo có lãi

 

Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia (Bulog) đã phát hành đấu thầu quốc tế để mua 500.000 tấn gạo trắng loại 5% tấm. Thời hạn chào hàng là ngày 29.1, lượng gạo thắng thầu được yêu cầu giao hàng vào tháng 2 và tháng 3.2024. Gạo phải được lấy từ vụ mùa 2023/2024 và được xay xát không muộn hơn sáu tháng trước. Các nguồn gốc cung cấp được chấp nhận, gồm: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc.

 

“Việc yêu cầu gạo phải lấy từ vụ mùa 2023/2024 không phải là thách thức với Việt Nam, bởi gạo nước ta luôn trong tình trạng tươi mới, thu hoạch đến đâu chế biến xuất khẩu đến đó. Đây chính là lợi thế của gạo Việt, nhập về đến đâu tiêu thụ hết đến đó nên dù giá có cao hơn nhưng các doanh nghiệp nước ngoài đặt mua” – ông Vũ Quang Hòa – CEO Dương Vũ Rice chia sẻ với Lao Động.

 

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng than phiền là xuất khẩu không có lợi nhuận do giá gạo tăng quá nóng, ký hợp đồng với giá này, khi triển khai thu mua thì giá gạo đã tăng lên, vì vậy, doanh nghiệp không có lãi, thậm chí có doanh nghiệp thua lỗ.

 

Về vấn đề này, ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng, thực ra năm 2023 nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thu lãi lớn, chứ không phải “càng xuất càng thua lỗ” như một số doanh nghiệp đã thông tin.

 

“Trên thương trường, bằng sự nhạy bén của mình, các doanh nhân sẽ nắm được thời cơ xuất khẩu gạo và đàm phán với mức giá có lãi.

 

Trong thời điểm giá gạo tăng “nóng” trong thời gian qua có doanh nghiệp đã đón bắt cơ hội và thu lãi lớn, nhưng cũng có những doanh nghiệp không có lãi, thậm chí lỗ.

 

Chính phủ và bộ, ngành chỉ đạo tốt rồi, kết quả năm 2023 đã chứng minh điều ấy. Nếu doanh nghiệp không lãi thì khoan hãy ký hợp đồng vì có ai ép phải xuất khẩu đâu. Đối với Công ty Trung An thì vẫn ký hợp đồng đều và vẫn có lãi mới làm” – ông Bình khẳng định.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang