Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 1/2023, nhưng sau đó giảm mạnh hơn dự báo. Lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 6/2023 đã giảm về mức chỉ còn 2% nhờ 3 yếu tố “kìm” đà tăng gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng cung tiền ở mức thấp, lãi suất thực ở mức quá cao.
Lạm phát cuối năm có thể ở mức 2,5%
Ông Độ phân tích, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm (đầu tư, tiêu dùng) hoặc sụt giảm (xuất khẩu). Cùng với đó, tăng trưởng cung tiền cũng thấp. Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/6/2023 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Ở khía cạnh lãi suất: Theo công bố của NHNN, lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6/2023 là 8,9%. Với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, mức lãi suất cho vay thực là 6,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013-2021 là 5,9% và 4,6%. "Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, đồng thời làm tăng nợ xấu”, TS Nguyễn Đức Độ đánh giá.
Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, ông Độ dự báo lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2023 được dự báo sẽ ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%.
Đưa ra dự báo CPI trung bình cả năm 2023 sẽ biến động ở mức khoảng 2,5 - 3%, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính phân tích, dự báo cơ cấu mới của kinh tế thế giới đang dần hình thành và ổn định, không còn những cú sốc lớn xảy ra như trong năm 2022. Cùng với đó, giá xăng dầu và các nhiên liệu khác sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, không có nhiều tác động tiêu cực tới CPI của Việt Nam.
Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ điều hành theo hướng nới lỏng để kích thích tăng trưởng (giảm thuế giá trị gia tăng 2% để khuyến khích tiêu dùng; giảm phí trước bạ, đặc biệt đối với ô tô; giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô; hạ thấp lãi suất tín dụng ngân hàng; ưu đãi cho vay đối với một số lĩnh vực kinh doanh...) và điều đó sẽ tác động tới việc ổn định giá cả thị trường trong thời gian 6 tháng cuối năm 2023.
Trong khi đó, TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đưa ra 2 kịch bản dự báo lạm phát 6 tháng cuối năm. Theo đó, nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,3% - 7,0% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,3% - 3,5%.
Kịch bản thứ 2 là tăng trưởng GDP năm 2023 có thể đạt mức 6,7% - 7,3% thì khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức là 3,5% - 3,8%.
Giá cả giảm nhưng người tiêu dùng chưa vui
Dù lạm phát giảm, song đại diện Cục Quản lý giá cũng đưa ra một số áp lực lên mặt bằng giá cả trong 6 tháng cuối năm, trong đó việc lương cơ bản tăng 20% từ ngày 1/7/2023 sẽ tác động đến các hàng hóa, dịch vụ khác; giá điện tăng; dịch vụ du lịch tiếp đà phục hồi; giá các mặt hàng thiết yếu tăng theo quy luật vào thời điểm cuối năm;
Cùng với đó, giá sách giáo khoa các bộ mới và một số mặt hàng do Nhà nước định giá thực hiện điều chỉnh như giá dịch vụ giáo dục năm học 2023- 2024 dự kiến sẽ tăng theo dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa tăng...
Ở khía cạnh thị trường, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú dùng từ “êm dịu” để chỉ giá cả thị trường 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân là: sức mua yếu, nguồn cung dồi dào. Vẫn quay trở lại với vấn đề mình quan tâm, vị chuyên gia này cho rằng, giá xuống thì mừng, nhưng lại là điều đáng lo ngại đó là cần tổ chức lại hệ thống phân phối, nâng cao tính chia sẻ ở cộng đồng và tăng cường kiểm soát giá thị trường.
Ông Vũ Vinh Phú ví dụ, cam ở Vĩnh Long là 5.000 đồng/kg, nhưng ở Hà Nội vẫn là 25.000 đồng/kg. Giá thịt lợn khi chợ xuống 130.000 đồng/kg thì ở một số siêu thị là hơn 200.000 đồng/kg. Khi sức mua yếu mà giá cả tăng thì càng yếu, thậm chí còn có hiện tượng “tăng giá ngầm”, bằng cách giảm trọng lượng của sản phẩm, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân. “Người lao động vất vả, ăn bữa cơm trưa 15.000 – 20.000 đồng không ăn nổi. Giá cả dịu nhưng đời sống người tiêu dùng chưa mấy vui, chúng ta phải khắc phục”, ông Vũ Vinh Phú nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý Giá cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa” của một số chủ thể, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng đề nghị cơ quan chức năng phải tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá. Cùng với đó là phải tiếp tục triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giá (sửa đổi) để hoàn thiện cơ chế quản lý điều hành giá đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về giá trong tình hình mới.
Theo VNbusiness