Chủ Nhật, 24/11/2024 14:38:01 GMT+7
Lượt xem: 2385

Tin đăng lúc 11-02-2020

Giá hành, tỏi, gừng trong nước và khắp thế giới tăng vọt vì corona

Dịch viêm phổi cấp do virus corona mới ở Trung Quốc khiến nhiều thị trường tạm dừng nhập khẩu từ nước này gây thiếu hụt nguồn cung khiến hàng loạt gia vị tăng giá mạnh trên thế giới.
Giá hành, tỏi, gừng trong nước và khắp thế giới tăng vọt vì corona

Trong số đó, tỏi, hành và gừng tăng giá nhiều nhất bởi đây là những loại gia vị được tiêu thụ mạnh để phòng, chống dịch.

 

Tại Việt Nam, giá hành, tỏi gừng đang tăng mạnh và bán chạy vì ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV nên việc vận chuyển những mặt hàng này từ Trung Quốc vào nước ta bị hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều người mua tỏi, gừng về nấu nước uống, chế biến món ăn... góp phần vào việc phòng chống dịch...cũng góp phần đẩy giá đi lên.

 

So với trước Tết, giá hành, tỏi, gừng hiện tăng khoảng 20.000 – 30.000 đồng/kg. Tỏi nhập từ Trung Quốc trước Tết hiện giá 70.000 – 80.000 đồng/kg; tỏi Lý Sơn hiện giá lên tới 130.000 – 150.000 đồng/kg.

 

Tại Ấn Độ, giá tỏi đã tăng liên tục kể từ tháng 9/2019 do mưa nhiều ảnh hưởng đến năng suất. Giá hiện đang ở mức cao kỷ lục lịch sử, khoảng 250 – 300 rupee Ấn Độ/kg trên thị trường bán lẻ; giá bán buôn từ 120 – 160 rupee/kg. Tháng 3 Ấn Độ mới thu hoạch tỏi, dự báo phải đến tháng 4 tới giá mới giảm xuống. Các thương gia Ấn Độ dự báo khi đó giá bán buôn sẽ giảm xuống khoảng 60 – 80 rupee/kg, còn bán lẻ khoảng 100 – 120 rupee/kg.

 

Tại Indonesia, việc tạm dừng nhập khẩu tỏi từ Trung Quốc do dịch virus corona khiến giá tỏi tăng mạnh, có nơi tăng 100%. Nguồn cung tỏi ở các chợ đều trở nên khan hiếm, kể cả chợ trung tâm Kramat Jati ở Jakarta.

 

Tại thành phố Padang thuộc Tây Sumatra, giá tỏi trước đây khoảng 25.000 - 30.000 rupiah/kg thì nay lên đến 35.000 - 50.000 rupiah/kg (3,65 USD); tại Bắc Sumatra giá hiện ở mức 52.000 Rupiaht (3,81 USD)/kg, cao hơn gấp hơn 2 lần mức 25.000 Rupiah trước đây.

 

Các thương gia nước này dự báo giá sẽ còn tăng nữa, có thể lên đến 70.000 rupiah trong vài ngày tới thậm chí còn hơn thế nữa nếu tình trạng nguồn cung không được cải thiện.

 

Indonesia nhập khẩu 100% tỏi trực tiếp từ Trung Quốc. Năm 2019, Bắc Sumatra nhập khẩu 29,24 triệu tấn tỏi, giảm 58,4% so với năm 2018. Trong 70,41 triệu tấn nhập khẩu năm 2018 thì có 70,18 triệu tấn đến từ Trung Quốc, phần còn lại từ Ấn Độ.

 

Tại Bangladesh, do tỏi, gừng… là các gia vị chính trong bữa ăn nên giá những mặt hàng này tăng mạnh đang khiến người dân nước này rất lo ngại. Nguyên nhân chủ yếu do nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ giảm sút.

 

Được biết gần đây, giá tỏi, gừng, nghệ, bột ớt đỏ và hạt rau mùi đã tăng đột biến. Chỉ trong vòng một tuần qua, giá các gia vị này tăng khoảng 4% - 27%. Cụ thể, giá tỏi và gừng (cả hàng nội và hàng ngoại) tăng 50 – 90 taka mỗi kg, lên 170 – 200 taka/kg tỏi và 180-220 taka/kg gừng. Bột nghệ giá tăng 35-100 taka (gần 20%) lên 240-270 taka/kg, bột ớt đỏ tăng 20-30 tka lên 380-420 taka/kg và hạt rau mùi tăng từ 125 – 150 taka lên 140 – 160 taka/kg. Hành tây hiện cũng duy trì ở mức giá cao kỷ lục lịch sử là 130 – 140 taka/kg (hành trong nước) và 150-180 taka (hành nhập khẩu). Giá tỏi nhập khẩu tăng từng ngày. Cuối tháng 1/2020, giá tỏi nhập khẩu là 1450-1500 USD/tấn, so với 1100-1150 USD/tấn một tuần trước đó.

 

Một số nơi ở Bangladesh sẽ thu hoạch tỏi mới từ cuối tháng 2 này. Người tiêu dùng hy vọng giá sẽ giảm trở lại. Tuy nhiên, sản lượng vụ này không cao do mưa thất thường. Vụ 2018/2019, sản lượng tỏi nước này đạt 0,49 triệu tấn, trong khi tiêu thụ 1,1 – 1,2 triệu tấn, so đói phải nhập khẩu 0,5 – 0,7 triệu tấn từ Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Tại Nepal, giá tỏi tăng gấp đôi chỉ trong vòng 2 tuần. Do tỏi Trung Quốc to hơn tỏi nội địa nên được người tiêu dùng Nepal ưa chuộng. Tại chợ rau củ Kalimati, giá tỏi Trung Quốc hiện ở mức 645 rupee Nepal/kg, so với chỉ 245 rupee hôm 20/1.

 

Chợ Kalimati nhập 91 tấn tỏi trong tháng 1 vừa qua. Trong 6 tháng đầu tài khóa hiện tại, Nepal nhập khẩu tỏi trị giá 160 triệu rupee. Hàng năm nước này nhập khẩu khoảng 370 triệu rupee tỏi.

 

Sản lượng tỏi Nepal mỗi năm khoảng 59.500 tấn.

 

Thị trường Pakistan cũng trong tình cảnh tương tự. Tại chợ bán buôn Sabzi Mandi, giá gừng và tỏi bán lẻ hiện ở mức 400 rupee Pakistan/kg, so với chỉ 320 rupee cách đây vài ngày; giá bán buôn tăng từ 260 lên 300 rupee/kg. Nguyên nhân do lo sợ sự lây lan của virus corona khiến việc nhập khẩu từ Trung Quốc bị tạm dừng.

 

Các thương gia nước này nhận định, thị trường sẽ cạn kiệt gừng và tỏi sau 10 ngày nữa, trong khi phải khoảng 30 ngày nữa thì giao thương với Trung Quốc mới trở lại bình thường. Vụ mùa tỏi trong nước rơi vào khoảng tháng 3.

 

Tại Trung Quốc, sau khi ổn định trong tháng 10 và 11/2019, giá tỏi tăng từ giữa tháng 12/2019 mặc dù đó là lúc thu hoạch tỏi cao điểm. Xu hướng tăng vẫn đang tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Có 3 nguyên nhân dẫn tới giá tỏi tăng: (1) Nguồn cung tỏi Trung Quốc vụ 2019 không cao, sản lượng ở Sơn Đông – khu vực sản xuất chính – giảm 30% so với năm trước đó, (2) Nhu cầu xuất khẩu tăng, nhất là trong dịp Lễ hội (Giáng sinh và Năm mới), và (3) dịch virus corona thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước tăng. Trên thị trường nội địa Trung Quốc, giá tỏi vụ mới hiện khoảng 0,74 nhân dân tệ (1,07 USD)/kg, trong khi tỏi vụ cũ khoảng 5,4 nhân dân tệ (0,78 USD)/kg. Tỏi vụ mới xuất khẩu hiện có giá khoảng 1.300-1.500 USD/tấn.

 

Giá gừng tại Trung Quốc cũng tăng mạnh, hiện gừng xuất khẩu có giá 1.700 USD/tấn, cao hơn khoảng 200 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái, và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.

 

Hiện Trung Quốc còn khoảng 2,5 triệu tấn vụ cũ trong các kho dự trữ lạnh, trong đó có khoảng 100.000 tấn trữ từ vụ 2018. Diện tích tỏi của tỉnh Sơn Đông năm 2020 tăng khoảng 20%, do đó sản lượng tỏi Trung Quốc năm nay dự báo sẽ tăng.

 

Trái ngược hoàn toàn, người dùng Singapore lại đang đổ xô đi mua giấy vệ sinh vì lo ngại về virus corona ngay cả khi nguồn cung tại các siêu thị hoàn toàn ổn định.

 

Theo Tổ Quốc

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang