Trong cả tuần qua, giá tiêu đã tăng tổng cộng 9.000 đồng/kg ở nhiều địa phương, cao nhất là tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với mức 20.000 đồng/kg; tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai…, giá bình quân là 119.000 đồng/kg.
Mức giá này cao hơn khoảng 50.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2023 và tăng tới hơn 3 lần so với năm 2020 - thời điểm giá tiêu chạm đáy và là mức cao kỷ lục tính từ năm 2016.
Trong khi đó, giá cao su thế giới vào đầu giờ sáng 30-5 (giờ Việt Nam) ghi nhận mức giá tăng cao ở các kỳ hạn trên cả 3 sàn giao dịch. Trong đó, sàn Thượng Hải có mức tăng cao nhất, lên đến 3,45%.
Tại các công ty cao su ở khu vực Đông Nam bộ, hiện giá thu mua mủ cao su nguyên liệu duy trì quanh mức 283-312 đồng/TSC. Trong đó, Công ty Cao su Phú Riềng giữ giá thu mua ở mức 285-305 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng trước. Công ty Cao su Bình Long giữ giá thu mua ở mức 285-295 đồng/TSC.
Công ty Cao su Bà Rịa giữ giá thu mua ở mức 283-293 đồng/TSC. Công ty Cao su Phước Hòa giữ giá thu mua ở mức 310-312 đồng/TSC.
Theo các chuyên gia, với diễn biến giá cao su từ đầu năm đến nay, cao su đang vào chu kỳ tăng giá mới. Nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại các nước sản xuất hàng đầu khiến nguồn cung thắt chặt.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cao su ước đạt 842 triệu USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng cao su xuất khẩu ước đạt 560.000 tấn, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su ước đạt 480 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá cao su thiên nhiên đang tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua do nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc, cùng với sản lượng thấp ở Thái Lan và Indonesia. Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng cao, mở ra triển vọng khả quan cho ngành cao su Việt Nam.
Theo Sggp.org.vn