Chủ Nhật, 24/11/2024 06:10:13 GMT+7
Lượt xem: 3033

Tin đăng lúc 26-02-2017

Gia Lai sẽ có 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tỉnh Gia Lai đang lên kế hoạch xây dựng 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh với tổng diện tích gần 240ha.
Gia Lai sẽ có 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Gia Lai sẽ có 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh minh hoạ

Sở hữu hơn 500.000 ha đất sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng thế mạnh thuộc nhóm nông sản xuất khẩu chính của cả nước như cao su, cà phê, tiêu…, tỉnh Gia Lai đang là địa phương có tiềm năng rất lớn về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

 

Theo các nhà chuyên gia cho biết, với nhiều lợi thế tuy nhiên tỉnh vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh, giá trị kinh tế mang lại của các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh chưa thực sự “xứng tầm” với tiềm năng sẵn có bởi sản phẩm chỉ mới dừng lại ở sản xuất thô hoặc chế biến manh mún (chỉ đạt từ 2 – 5 %). 

 

Cũng theo các nhà chuyên môn, chính hạn chế này lại là tiềm năng rất lớn để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vào tỉnh. 

 

Có lợi thế về diện tích cao su (khoảng 110.000 ha), hồ tiêu (khoảng 15.000 ha), cà phê (hơn 80.000 ha) lớn nhất, nhì cả nước cùng với các vùng chuyên canh cây nông nghiệp ngắn ngày rộng lớn gắn với các công trình thủy lợi, tỉnh Gia Lai đang tập trung mời gọi và ưu tiên tạo cơ chế thuận lợi nhất để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Việc mời gọi đầu tư này vào tỉnh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế đúng với tiềm năng sẵn có. 

 

Hiện nay, tỉnh Gia Lai đang lên kế hoạch xây dựng 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh với tổng diện tích gần 240ha tại địa bàn các huyện Đăk Đoa (84ha), thị xã An Khê (95ha), thị xã Ayunpa (15ha), huyện Chư Sê (20ha) và thành phố Pleiku (20ha).

 

Dự kiến, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều đưa vào phát triển các loại cây trồng chủ lực có thế mạnh của tỉnh như mía, lúa nước 2 vụ, hồ tiêu... để sản xuất ra sản phẩm hàng hoá với năng suất và chất lượng tốt.

 

Từ khâu chọn giống cho đến các biện pháp thâm canh khác như thực hiện cơ giới hoá, bón phân... kể cả trong công tác bảo quản, chế biến sản phẩm đều được ứng dụng đồng bộ theo tiêu chí công nghệ cao.

 

Đặc biệt, trong khâu sử dụng phân bón cho các loại cây trồng đều ứng dụng công nghệ vi sinh, chế phẩm vi sinh và công nghệ sinh học trong việc phòng trừ sâu bệnh gây hại trên các loại cây trồng.

 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng cánh đồng lớn với tổng diện tích khoảng 18.000 ha cho 5 đối tượng cây trồng chính, đó là cà phê (3.700 ha), mía (5.000 ha), sắn (5.000 ha), lúa nước (3.700 ha) và hồ tiêu (500 ha). Đồng thời, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Theo đó, hỗ trợ doanh nghiệp có ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hoá về lãi suất vốn vay để mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

 

Nguồn Vietq.vn

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang