Cụ thể, tại miền Bắc, giá lợn hơi tại các địa phương đều ở trên mức 90.000 đồng/kg. Trong đó, tại Ninh Bình, giá lợn hơi tăng tăng 2.000 đồng so với thời điểm ngày 19/7 và đang có giá 90.000 đồng/kg. Còn tại, Vĩnh Phúc tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, đưa giá heo hơi tại đây lên 92.000 đồng/kg. Tại Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam lại giảm 1.000 đồng/kg lợn hơi và đứng ở mức 90.000 đồng đến 91.000 đồng/kg.
Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi được thương lái thu mua trong khoảng 82.000 - 90.000 đồng/kg. Tại hầu hết các địa phương, giá lợn hơi tăng từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg.
Cụ thể, tại các tỉnh như: Hà Tĩnh, Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Ninh Thuận giá lợn hơi cùng tăng 1.000 đồng/kg, mức giá dao động từ 82.000 - 88.000 đồng/kg. Trong khi đó, Quảng Trị sau khi tăng 2.000 đồng/kg, thu mua với 83.000 đồng/kg lợn hơi, ngang bằng với Quảng Nam.
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam được giao dịch trong khoảng 86.000 - 92.000 đồng/kg, tăng nhẹ sau khi đứng yên trong tuần trước. Cụ thể, tại Vũng Tàu, Tiền Giang cùng tăng 1.000 đồng/kg, thua mua với giá 87.000 đồng/kg. Cũng tại mức giá này, Vĩnh Long tăng 2.000 đồng/kg trong hôm nay (20/7). Hậu Giang tiến sát ngưỡng 90.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng và giao dịch tại 88.000 đồng/kg.
Dù đã nhập khẩu khoảng 9.000 con heo sống từ Thái Lan và nhập khẩu thịt đông lạnh các loại với số lượng lớn nhưng giá thịt lợn trong nước vẫn cao. Do giá lợn hơi tại Thái Lan cũng đã tăng lên mức khoảng 65.000 đồng/kg. Giá cam kết về đến cửa khẩu giữa Việt Nam và Lào là 81.000 đồng/kg.
Sau khi cộng tiền vận chuyển từ cửa khẩu về trại, chi phí hao hụt, kiểm dịch, lãi suất ngân hàng,… thì giá đội lên thành 85.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi trung bình trên cả nước đang là 87.000 đồng/kg. Như vậy, giá nhập lợn sống Thái Lan hiện tại cao, vận chuyển xa, thời tiết nóng bức khiến mức hao hụt lớn, nên nếu không tính toán cẩn thận doanh nghiệp có thể lỗ nặng.
Song song đó dịch tả vẫn chưa được không chế, có thể trong tuần này lợn hơi tiếp tục đi lên.
Hiện, giá thịt lợn tại chợ và siêu thị neo ở mức cao, từ 150.000 đồng đến 320.000 đồng/kg tuỳ loại.
Nguyên nhân giá thịt lợn tăng lên mức cao nhất trong lịch sử được Cục Chăn nuôi cho hay là do nguồn cung giảm. Ngoài ra, còn do người chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn, người giết mổ nhỏ lẻ không trực tiếp mua được lợn thịt từ các doanh nghiệp, phải qua nhiều khâu trung gian...
Trước đó, nhiều lần Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần tổ chức họp, tổ chức đoàn công tác trực tiếp đến làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để chỉ đạo sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, ổn định nguồn cung và giảm giá bán lợn thịt. Kết quả, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như: Công ty CP Việt Nam, Dabaco, Mavin, Masan, GreenFeed,... đã phối hợp, đồng hành với Chính phủ và xuất bán lợn thịt tại trại với giá từ 74.000-76.000 đồng/kg lợn hơi. Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp "đứng ngoài cuộc", đồng thời có những thời điểm không xuất bán, nuôi để tăng khối lượng nên ảnh hưởng đến nguồn cung, điển hình như Công ty CJ, Tập đoàn Hòa Phát, Cty Japfa,... góp phần làm cho giá bị đẩy lên cao.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, mục tiêu quý IV/2020 là phải đủ sản lượng thịt lợn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Khi nguồn cung đủ, lúc đó giá thịt lợn mới có thể hạ nhiệt.
Theo Báo Công Thương