Thứ Bẩy, 23/11/2024 22:16:47 GMT+7
Lượt xem: 954

Tin đăng lúc 07-06-2021

Giá lợn hơi lao dốc, thịt lợn ngoài chợ bao giờ mới rẻ?

Thị trường đang chứng kiến nghịch lý là nông dân có thể thua lỗ nặng vì giá lợn hơi rẻ trong khi người mua vẫn phải trả giá cao.
Giá lợn hơi lao dốc, thịt lợn ngoài chợ bao giờ mới rẻ?
Dù giá lợn hơi giảm đáng kể, giá thịt lợn tại chợ, siêu thị giảm không tương xứng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết trong tháng 5, giá lợn hơi biến động giảm do nguồn cung trong nước được đảm bảo, việc tái đàn ở các địa phương diễn ra thuận lợi trong khi nhu cầu vẫn ở mức thấp do tác động của dịch Covid-19.

 

Hiện, giá lợn hơi tại các địa phương dao động 64.000-75.000 đồng/kg, giảm 2.000-6.000 đồng/kg so với cuối tháng 4 và giảm 25.000-29.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020.

 

Thực tế, giá lợn hơi đã có xu hướng giảm ngay trong quý I. So với cuối năm 2020, giá lợn hơi tại miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên vào cuối tháng 3 giảm 3.000-4.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Nam giảm 2.000-3.000 đồng/kg.

 

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), với mức giá lợn hơi như hiện nay, người chăn nuôi nhỏ lẻ đứng trước nguy cơ thua lỗ do giá thức ăn chăn nuôi đang tăng chóng mặt.

 

"Do giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua tăng 20-30%, nhiều nông hộ sợ rủi ro nên có tâm lý bán sớm. Trong khi đó, do tác động của dịch Covid-19 khiến hàng quán, nhiều khu công nghiệp đóng cửa, vận chuyển khó khăn hơn khiến giá lợn hơi giảm. Với đối tượng chăn nuôi nông hộ phải mua con giống đắt, cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng thì nguy cơ thua lỗ cao", ông Trọng nói.

 

Tuy nhiên, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng có một nghịch lý là giá thịt lợn ở các chợ nói riêng và giá thịt đến tay người tiêu dùng nói chung vẫn neo ở mức cao. Cụ thể, thịt sườn vai và ba chỉ có giá 130.000 đồng/kg, sườn thăn 150.000 đồng/kg, sụn 180.000 đồng/kg, bắp 140.000 đồng/kg, xương cục cũng có giá lên tới 100.000 đồng/kg.

 

"Nguyên nhân do có quá nhiều khâu trung gian trong quá trình phân phối thịt lợn ra thị trường, dẫn đến chưa hài hòa lợi ích giữa 3 khâu sản xuất, cung ứng, tiêu dùng. Trong khi người chăn nuôi có nguy cơ thua lỗ thì người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá cao", ông Trọng phân tích.

 

Từ thực tế đó, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa các mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

 

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá thị trường hiện nay, người chăn nuôi và người tiêu dùng chịu thiệt thòi, trong khi khâu trung gian lại đang hưởng lãi lớn.

 

Để giải quyết được bài toán này, cần xây dựng chuỗi cung ứng thịt lợn từ sản xuất đến tiêu thụ. Việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Đây cũng là con đường ngắn nhất thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi.

 

Theo đó, Bộ NNPTNT đã hỗ trợ các doanh nghiệp lớn như Masan với hai nhà máy ở Hà Nam và Long An; Ba Huân; Dabaco; Greenfeed; Rapfa; Xuân Trường xây dựng các chuỗi thực phẩm lớn.

 

Khi các chuỗi này phát huy hiệu quả theo đúng kế hoạch, việc rút ngắn các khâu trung gian từ chăn nuôi đến vận chuyển, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ, lợi ích sẽ được chia sẻ với các đối tượng trong chuỗi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

 

Bộ NNPTNT dự báo trong thời gian tới, giá lợn hơi không có nhiều biến động do dịch tả lợn châu Phi đang được khống chế tốt, đàn lợn ở các trang trại lớn tăng nhanh. Đồng thời, nguồn cung các loại thịt gà, thịt bò, cá, tôm và thịt nhập khẩu về nhiều.

 

Trao đổi với Zing, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khẳng định giá thịt lợn đang là vấn đề bất cập. Vị chuyên gia thương mại cho rằng thất bại ở hệ thống phân phối, nhiều khâu trung gian, lợi nhuận phân chia không hợp lý, hiệu lực quản lý Nhà nước về giá còn lúng túng, bị động, chưa làm trọng tài chia sẻ lợi nhuận trong chuỗi sản xuất phân phối khi thấy bất hợp lý quá mức là những nguyên nhân khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ chịu thiệt thòi.

 

Bên cạnh đó, khâu trung gian bán lẻ hưởng đến 60-70% lợi nhuận cũng khiến giá lợn hơi giảm mạnh nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá cao.

 

Cụ thể, khi một con lợn xuất chuồng phải qua tay thương lái, đến khâu giết mổ, bán buôn, sau đó là bày bán tại chợ hoặc siêu thị rồi mới tới tay người tiêu dùng. Cộng mỗi khâu 10-15%, giá thịt lợn đã tăng gấp rưỡi, còn thêm phí kiểm dịch, chiết khấu, thuế VAT 10% với siêu thị hoặc thuế khoán với chợ truyền thống.

 

“Thịt lợn, nông sản đưa vào siêu thì bị ép giá, ép chiết khấu cao quá mức; đồng thời bị chiếm dụng vốn bởi khi hàng bán xong, một số siêu thị chậm thanh toán tiền hàng”, ông Phú nói.

 

Theo Zing


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang