Người chăn nuôi phấn khởi vì giá lợn tăng mạnh
Chia sẻ với PV Lao Động, ông Hà Văn Thi (Chợ Sồng - Trực Ninh - Nam Định) phấn khởi cho hay: Giá lợn hơi tăng liên tiếp trong 2 tháng qua đã khiến những người chăn nuôi lợn thoát cảnh thua lỗ, thậm chí những trang trại ghìm giữ được đàn lợn, phòng chống dịch bệnh tốt đã cho lãi lớn. Ngay như trang trại mini của ông chỉ vài chục con xuất chuồng gối đầu cũng cho lãi vài chục triệu.
Bà Phan Thị Hiền (xóm 6 Văn Thành, Yên Thành, Nghệ An) cũng phấn khởi cho biết: Nhờ xuất chuồng đàn lợn với giá lãi cao, bà đã có thêm nguồn vốn để gây thêm lợn nái, mở rộng đàn lợn.
“Mặc dù nhiều hộ dân đang rục rịch tái đàn, nhưng để có một con lợn xuất chuồng phải mất 5 tháng. Do đó, ít nhất giá lợn sẽ neo ở mức cao từ nay cho đến hết năm 2024. Nếu như sang quý 4, sản lượng chăn nuôi lợn không tăng thì giá lợn hơi có thể chạm mốc 75.000 đồng/kg” - bà Hiền nhận định.
Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam - cho biết: Sản lượng lợn xuất chuồng của BAF trong quý 1 đạt hơn 100.000 con, là thời điểm có sản lượng cao nhất lịch sử công ty.
Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đã giảm 10-20% so với giai đoạn trước, góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi của doanh nghiệp. Nhờ giá lợn tăng cao, doanh thu thuần của BAF trong quý I/2024 tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.
Khảo sát của PV Lao Động cho thấy, hiện khu vực miền Đông Nam Bộ có giá lợn hơi bình quân cao nhất cả nước, ở mức 68,9 nghìn đồng/kg. Xếp thứ hai là các tỉnh miền Tây: 68,8 nghìn đồng/kg. Miền Bắc: 68,4 nghìn đồng/kg. Miền Trung: 66,9 nghìn đồng/kg - là khu vực có giá lợn hơi bình quân thấp nhất cả nước.
Xét về địa phương, giá lợn hơi cao nhất đang ở mức 70.000 đồng/kg, tại các tỉnh: Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Nguyên nhân “thủ phủ” chăn nuôi lớn nhất cả nước là Đồng Nai có giá lợn hơi cao nhất toàn quốc, là do sản lượng chăn nuôi lợn của tỉnh này đã giảm mạnh 1,27% so với cùng kỳ năm trước.
“Đàn lợn ở Đồng Nai giảm mạnh do năm ngoái giá lợn hơi thấp hơn giá thành chăn nuôi, nhiều người chăn nuôi thua lỗ đã giảm đàn, thậm chí có nhiều trang trại đã dừng không nuôi” - ông Nguyễn Tuấn - một người chăn nuôi lợn tại tỉnh này, chia sẻ.
Dịch bệnh trên đàn lợn đang được kiểm soát tốt
Ông Nguyễn Hanh - chủ trang trại chăn nuôi ở xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cho hay: Ông vừa bán những con lợn cuối cùng trong tổng đàn lợn gồm 2.000 lợn thịt và hàng trăm lợn nái và quyết định đóng chuồng không tiếp tục chăn nuôi.
“Tôi đã theo nghề này 20 năm rồi, thăng trầm đủ cả và tôi thấy cũng đã đến lúc nghỉ ngơi. Hiện giá lợn hơi tăng cao là do “cung” giảm, nhưng cũng cần thận trọng bởi dịch tả lợn châu Phi vẫn có thể bất ngờ quay lại” - ông Hanh chia sẻ.
Theo Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) Nguyễn Văn Long, ngày 28.5, có 4 ổ dịch tả lợn châu Phi mới phát sinh tại các tỉnh Bắc Ninh và Lạng Sơn; số lợn mắc bệnh là 148 con, số lợn chết và tiêu hủy là 147 con. Hiện nay, cả nước có 127 ổ dịch thuộc 46 huyện của 18 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh là 5.152 con, số lợn chết và tiêu hủy là 5.161 con.
Về bệnh lở mồm long móng, cả nước có 2 ổ dịch tại tỉnh Yên Bái và Gia Lai chưa qua 21 ngày. Số gia súc mắc bệnh là 155 con, số gia súc chết và tiêu hủy là 16 con.
Như vậy, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc hiện nay đang được kiểm soát khá tốt, người dân có thể yên tâm tái đàn.
Theo Laodong.vn