Sau tết, không chỉ người trồng hoa ở phía Bắc điêu đứng, mà nông dân trồng rau cũng đang khóc ròng vì giá rau rẻ ê hề. Ghi nhận của NNVN tại vựa rau huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
Đang giữa trưa, nhưng ông cụ ông Phạm Văn Mát ở thôn Buộm, xã Toàn Thắng (huyện Gia Lộc) vẫn phải hì hụi gánh đống su hào từ ruộng tập trung lên bờ để cho thương lái tới chở đi. Ông bảo lúc rau có giá, su hào mới lớn cỡ cái chén, thương lái đã tranh nhau tới ruộng tự tay chặt, rồi chuyển hàng lên xe, còn bây giờ thì ngược lại, các hộ gia đình ở vựa rau xã Toàn Thắng phải “hầu” lại cánh thương lái tận chân răng nhưng cũng chẳng ai ngó tới.
Ra tết, thường thì năm nào giá rau cũng rẻ, nhưng có lẽ chưa có năm nào rẻ như năm nay. Lúc có giá, su hào loại đẹp thường phải 3.000 đ/củ bán tại ruộng, năm rẻ nhất cũng chỉ rớt xuống tới mức 1.000 – 1.500 đ/củ. Ấy thế mà từ trước Tết Nguyên đán đến nay, giá su hào loại đẹp, cỡ trung bình 1kg/củ thương lái chỉ mua vào nhúc nhắc với giá khoảng 500 đ/kg. Mỗi túi su hào 20 củ, trung bình hơn 20kg chỉ có giá 10 nghìn đồng.
Vụ đông 2018, nhà ông Mát thuê thêm 11 mẫu ruộng với giá hơn 100 triệu đồng (thời hạn 3 năm), đầu tư trồng chủ yếu là su hào với trên 20 vạn cây, nhưng ngay vụ đầu đã thua vố đậm. Ông tính toán, đầu tư mỗi cây su hào trong thời gian 2 tháng trồng trung bình phải 1.000 đ/cây, tính ra chưa kể tiền thuê đất, người trồng su hào lỗ 50% phí đầu tư.
“Thương lái chỉ mua vào nhúc nhắc vài chục túi (loại 20 củ/túi). Hiện nhà tôi còn hơn 17 vạn cây su hào nữa sắp cho thu hoạch, nếu giá không nhích lên thì không biết đổ đi đâu cho hết” – ông Mát thở dài ngao ngán.
Không chỉ người trồng méo mặt, cánh thương lái buôn rau ở Gia Lộc cũng than trời. Anh Hồ Huân, một thương lái chuyên thu mua rau tại vựa rau xã Gia Xuyên (huyện Gia Lộc) đổ mối cho các tỉnh miền Trung cho biết: Hiện nay, các thương lái thường phải đặt bao mua rau cả ruộng trước khi thu hoạch ít thì nửa tháng, lâu thì cả tháng. Khoảng từ giữa tháng 12 (âm lịch) năm ngoái tới nay, giá rau trên thị trường bắt đầu tụt mạnh nên nhiều thương lái trót đặt mua sớm bị lỗ nặng.
Tại Gia Lộc, các đối tượng rau chủ lực trong vụ đông vẫn là cải bắp, su hào cùng một số loại rau ăn lá như cải dưa. Bên cạnh su hào rớt giá thê thảm nhất, cải bắp, cải dưa giá cả có khá hơn, nhưng so với các năm trước thì vẫn rất thấp.
Cụ thể, cải dưa lúc được giá thường 4.000 đ/kg nay chỉ 1.500 đ/kg; cải bắp lúc được giá thường phải 4.000 – 5.000 đ/cây (loại trung bình 1kg/cây) thì thời điểm này, các thương lái mua vào tại Gia Lộc chỉ ở mức trung bình 2.000 đ/cây, có nơi 1.500 đ/cây. Với giá này, nông dân chỉ hòa vốn đầu tư, không có công.
Về nguyên nhân rau lại rớt giá sâu, nông dân tại các vựa rau lớn của huyện Gia Lộc cho rằng: Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết ấm liên tục nên rau phát triển nhanh như thổi. Trung bình, su hào, cải bắp phải hơn 2 tháng mới cho thu hoạch, nhưng trà xuống giống trước Tết đến nay, su hào chỉ 50 ngày củ đã lớn cỡ ấm trà và bán được khiến lượng rau tuồn ra thị trường quá dồn dập.
Một gánh su hào nặng lặc lè (khoảng trên 40kg) thế này chỉ có giá 20 nghìn đồng
Anh Hồ Huân, thương lái lâu năm thì cho rằng năm nay, không chỉ các vựa rau vụ đông truyền thống tại phía Bắc được mùa và tăng diện tích, mà các vùng vốn không mạnh về SX rau vụ đông cũng tăng rất mạnh. Bên cạnh đó, xu hướng các gia đình tự trồng rau để tiêu thụ trong gia đình cũng khiến lượng tiêu thụ giảm mạnh.
“Mọi năm, mỗi ngày tôi phải chuyển hàng vào các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh... trung bình tới 20 – 30 tấn/ngày, nhưng năm nay chỉ 5-7 tấn/ngày. Các chợ trong ấy chợ nào cũng đầy ắp rau do nông dân trong đó năm nay cũng trồng rau rất mạnh. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc năm nay cũng tậm tịt. Mọi năm, cánh thương lái tại Gia Lộc vẫn nhúc nhắc XK được một vài xe su hào, bắp cải/tuần sang Trung Quốc, nhưng năm nay thì thương lái Trung Quốc cũng không thấy ăn hàng nữa nên không xuất được chuyến nào” – anh Huân cho biết.
Nguồn Nongnghiepvn