Theo thông tin từ Bộ Công Thương, từ đầu tháng 8/2018 đến nay, giá sắn nguyên liệu và tinh bột sắn về nhà máy tại Tây Ninh tăng do nguồn cung sắn trong vùng, lẫn sắn Campuchia đều giảm mạnh.
Tại Tây Ninh, do nguồn cung sắn trong vùng đạt thấp, các nhà máy lên cửa khẩu mua nhiều hơn đẩy giá sắn củ giao dịch tại cửa khẩu tăng mạnh, lên mức 2.700 đồng/kg. Tuy nhiên, sắn Campuchia hiện nay có trữ độ bột thấp, cao nhất chỉ đạt 24-25% nên giá quy đổi với sắn 30 độ lên tới 3.250 đồng/kg (chưa tính phí vận chuyển và bốc dỡ về nhà máy). Hiện giá sắn củ tại Tây Ninh dao động từ 3.000-3.300 đồng/kg với sắn nội địa và với sắn Campuchia, tăng từ 200-300 đồng/kg so với cuối tháng 7/2018. Nguồn cung sắn đất thấp tại Tây Ninh sắp hết, trong khi đó năng suất sắn chính vụ tại Tây Ninh có thể giảm từ 30-40% so với những vụ trước, do sắn đang bị nhiễm bệnh khảm lá khá nghiêm trọng.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 7/2018 cả nước đã xuất khẩu được 112,27 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 50,95 triệu USD, giảm 33,8% về lượng và giảm 34,5% về trị giá so với tháng 6/2018, so với cùng kỳ năm 2017 giảm 58,3% về lượng và giảm 25% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân tăng 79,7% so với cùng kỳ năm 2017 lên 453,8 USD/tấn. Tính chung 7 tháng đầu năm 2018, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn đã xuất khẩu đạt 1,58 triệu tấn, với trị giá 593,59 triệu USD, giảm 30,2% về lượng nhưng tăng 4,7% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân đạt 374,2 USD/tấn, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Tính riêng mặt hàng sắn, trong tháng 7/2018 đã xuất khẩu được 19,14 nghìn tấn, với trị giá 4,97 triệu USD, giảm 38,5% về lượng và giảm 33,6% về trị giá so với tháng 6/2018, so với cùng kỳ năm 2017, giảm 83,8% về lượng và giảm 76,4% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 259,8 USD/tấn, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 7 tháng đầu năm 2018, lượng sắn đã xuất khẩu đạt 569,83 nghìn tấn, với trị giá 122,24 triệu USD, giảm 40,9% về lượng và giảm 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017; giá xuất khẩu bình quân đạt 214,5 USD/tấn, tăng 28,8%.
Nhìn chung, trong tháng 7/2018, lượng sắn và sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đều giảm mạnh so với tháng 6/2018, trừ thị thường Hàn Quốc. Trong tháng 7/2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng mạnh, tăng 532,2% về lượng và tăng 529,9% về trị giá so với tháng 6/2018; tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2017 giảm 22,1% về lượng và giảm 25% về trị giá, với khối lượng đạt 16,15 nghìn tấn, trị giá 4,88 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 302 USD/tấn, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc giảm mạnh, giảm 60,3% về lượng và giảm 25,2% về trị giá so với tháng 6/2018, với khối lượng đạt 86,07 nghìn tấn, trị giá 40,8 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2017 giảm 58,3% về lượng và giảm 25% về trị giá, giá xuất khẩu trung bình ở mức 474,1 USD/tấn, tăng 88,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 1,39 triệu tấn, với trị giá 517,08 triệu USD, giảm 30,9% về lượng nhưng tăng 5,1% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân ở mức 370,2 USD/tấn, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Về chủng loại, trong tháng 7/2018, xuất khẩu tinh bột sắn đạt 92,87 nghìn tấn, trị giá 45,9 triệu USD, giảm 32,7% về lượng và giảm 34,5% về trị giá so với tháng 6/2018, giá xuất khẩu trung bình đạt 494 USD/tấn, giảm 2,9% so với tháng 6/2018. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 87,7% lượng tinh bột sắn xuất khẩu, với khối lượng đạt 81,4 nghìn tấn, trị giá 40 triệu USD, giảm 33,1% về lượng và giảm 35,1% về trị giá so với tháng 6/2018, giá xuất khẩu trung bình đạt 491 USD/tấn, giảm 3% so với tháng 6/2018.
Xuất khẩu sắn lát khô tháng 7/2018 đạt 19,08 nghìn tấn, trị giá 4,93 triệu USD, giảm 38,6% về lượng và giảm 33,1% về trị giá so với tháng 6/2018, giá xuất khẩu trung bình đạt 258 USD/tấn, tăng 9% so với tháng 6/2018. Giá sắn lát xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm do nhu cầu từ thị trường này tiếp tục ở mức thấp.
Bộ Công Thương dự báo từ cuối tháng 8/2018, nhiều nhà máy cồn tại Trung Quốc sẽ hoạt động trở lại sau thời gian dài nghỉ bảo dưỡng, qua đó nhu cầu mua sắn lát nguyên liệu sẽ tăng. Ngoài ra, giá cồn nội địa tại Trung Quốc cũng được điều chỉnh tăng liên tục trong 4 tuần gần đây với cả 3 loại: Cồn từ ngô, sắn và mật rỉ đường do nguồn cung cồn nội địa lẫn nhập khẩu giảm mạnh. Do đó, giá xuất khẩu sắn lát dự báo sẽ phục hồi trong thời gian tới khi nhu cầu mua từ thị trường Trung Quốc tăng. Tuy nhiên, đà tăng giá xuất khẩu sắn lát của Việt Nam sẽ không cao do Hiệp hội Thương mại sắn Thái Lan đã liên tục điều chỉnh giảm giá.
Theo Nhịp sống kinh tế