Thứ Sáu, 22/11/2024 17:29:47 GMT+7
Lượt xem: 2574

Tin đăng lúc 27-03-2017

Giá tăng, lạm phát khó cưỡng không tăng

Hằng năm, trước khi công bố về CPI, giới phân tích đều chứng kiến người tiêu dùng “điêu đứng” mỗi khi “bài ca tăng giá” được cất lên vì yếu tố thị trường. Năm nay, liệu “ca khúc” đó có khiến CPI tăng theo?
Giá tăng, lạm phát khó cưỡng không tăng
Dự báo CPI năm 2017 của Việt Nam sẽ tăng khoảng 4,5%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay được dự đoán có khả năng theo chiều hướng tăng do bị ảnh hưởng mạnh từ sự biến động của tỷ giá, giá dầu hồi phục, giá dịch vụ y tế và giáo dục tăng lên, cũng như giá điện sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình.

 

Trước thực tế này, giới phân tích nhận định rằng diễn biến điều chỉnh giá của các mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới tiếp tục là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến lạm phát toàn phần của năm 2017.

 

Những yếu tố tác động

 

Về CPI trong tháng 3/2017, Tổng cục Thống kê dự báo sẽ tăng cao hơn mức tăng CPI tháng Hai do giá xăng, dầu biến động theo giá thế giới tác động vào CPI; giá dịch vụ y tế có thể tăng tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo lộ trình Thông tư 37 cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

 

Cần lưu ý, CPI hồi tháng 2/2017 đã tăng 0,23% so với tháng trước đó. Có 8/11 nhóm hàng tăng giá, trong đó nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất 0,77%, tiếp đến là giao thông, thuốc và dịch vụ y tế; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác, hàng ăn và dịch vụ ăn uống; thiết bị và đồ dùng gia đình. So với cùng kỳ, CPI tăng 5,02%. CPI bình quân hai tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 5,12%.

 

Cũng cuối tuần qua, trao đổi với báo chí tại hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2017” được tổ chức ở Tp.HCM, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, dự báo CPI năm 2017 của Việt Nam sẽ tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức chỉ tiêu 4% của Chính phủ. Giá dầu tăng cũng như nhiều áp lực từ giá điện (chắc chắn) tăng cùng giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng sẽ tác động trực tiếp đến CPI.

 

Trong báo cáo phân tích gần đây của công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng từ phía trong nước, việc tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục sẽ tiếp tục diễn ra theo lộ trình và ảnh hưởng mạnh lên CPI. Song yếu tố này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát cũng như sự chủ động của Chính phủ.

 

Theo đánh giá của VCBS, diễn biến điều chỉnh giá của các mặt hàng thiết yếu tiếp tục là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến lạm phát toàn phần của năm 2017. Áp lực kể đến đầu tiên chính là giá hàng hóa nguyên liệu, đặc biệt dầu thô, trên thế giới có xu hướng phục hồi trở lại.

 

Tuy nhiên, sau khi đã tăng khá mạnh vào cuối năm 2016, VCBS không kỳ vọng một kịch bản tương tự sẽ lặp lại trong năm 2017 mà thay vào đó, nếu có, sẽ là một sự phục hồi nhẹ trong bối cảnh sức cầu nói chung chưa khởi sắc do triển vọng kinh tế thế giới còn khá ảm đạm.

 

Theo nhận định của Ts. Nguyễn Ngọc Tuyến, kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại, đồng USD sẽ mạnh lên, đặc biệt việc Mỹ rút khỏi TPP khiến thị trường xuất khẩu của Việt Nam khó khăn hơn, tỷ giá có thể biến động tăng cao hơn năm 2016 và điều này có thể tác động tới CPI tăng trong năm 2017.

 

Có trong vòng kiểm soát?

 

Ngoài ra, giá cả một số sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước quản lý (giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện, giá nhiên liệu) tiếp tục có xu hướng điều chỉnh tăng trong năm 2017. Đây là một trong những yếu tố tác động khiến chỉ số CPI tăng trong năm nay.

 

Ts. Nguyễn Ngọc Tuyến dự báo năm 2017, nếu giá dịch vụ y tế, giáo dục tiếp tục được điều chỉnh tăng cao, CPI sẽ tăng 5 – 5,5%. Còn nếu giá hai lĩnh vực này không điều chỉnh tăng, CPI cả năm sẽ tăng quanh ngưỡng 3 – 3,5%.

 

Tổng hợp các yếu tố, giới chuyên gia cho rằng Chính phủ vẫn còn dư địa điều hành và kiểm soát lạm phát cũng như mục tiêu lạm phát dưới 5% nhiều khả năng sẽ đạt được. Tỷ lệ lạm phát cả năm 2017 dự báo ở mức 4 – 4,5%.

 

Theo nhận định mới đây từ công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, mục tiêu lạm phát cho cả năm 2017 được đề ra là dưới 4%. Đây là mục tiêu khá thách thức trong bối cảnh giá các loại hàng hóa đang có xu hướng hồi phục.

 

Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa rằng mục tiêu trên là không khả thi khi năm 2017 sẽ chịu ít áp lực từ nhóm các mặt hàng do Nhà nước quản lý (y tế, giáo dục) như trong năm 2016.

 

Tuy nhiên, nhóm dịch vụ y tế và giáo dục có mức độ biến động giữa các năm tương đối lớn. Điển hình như: CPI của nhóm dịch vụ y tế, năm 2013 tăng 18,97%; năm 2014 tăng 2,25%; năm 2015 tăng 1,79% và năm 2016 tăng cao nhất là 55,72%. Tương tự, nhóm giáo dục năm 2016 cũng có mức tăng là 10,81%.

 

Do đó, việc tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu, nhất là giáo dục, y tế và xăng dầu, có thể xem như là một trong những yếu tố tác động không tích cực lên cầu tiêu dùng.

 

Về giá dầu, xét về trung hạn vẫn đang duy trì xu hướng hồi phục kéo dài từ đầu năm 2016 đến nay nhưng sẽ khó hồi phục mạnh khi chi phí sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ thấp.

 

Đối với tỷ giá, như đánh giá của VCBS, tỷ giá tiếp tục chịu sức ép lớn từ thế giới trong năm 2017 nhưng kỳ vọng sự ổn định được đảm bảo. Nguồn cung ngoại tệ dư thừa và dồi dào trong năm 2016 được đánh giá là yếu tố chính và hàng đầu hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối.

 

Với giá điện, Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công Thương hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017 (trên các mặt lộ trình, mức độ điều chỉnh), bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


Tag:CPI

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang