Tại hội thảo “Công tác thanh tra chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật” do Cục Bảo vệ thực vật tổ chức ngày 20-11, ông Trịnh Công Toản, Trưởng phòng Thanh tra, pháp chế, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, chỉ tính riêng năm 2010, tổ chức thanh tra chuyên ngành bảo vệ và kinh doanh thực vật đã tiến hành thanh, kiểm tra 16.500 lượt gồm công ty, cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện và xử lý trên 2.400 cơ sở vi phạm (chiếm 14,54%).
Đặc biệt, trong khi thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện tám trường hợp buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cấm (các chất cực độc), 34 trường hợp buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả.
Đối với tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra 15.122 hộ dân, phát hiện 2.963 hộ vi phạm (chiếm 19,6%).
Các hình thức vi phạm chủ yếu là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có thời gian cách ly không bảo đảm và không đúng lồng độ liều lượng cho phép.
Giai đoạn từ tháng 7-2011 đến nay, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật được kiểm tra có xu hướng giảm dần từ mức 15.184 cơ sở năm 2011 xuống còn 5.874 cơ sở trong năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm lại theo chiều ngược lại, năm 2011 tỷ lệ vi phạm là 11% và năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên 16%.
“Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có thời gian cách ly không bảo đảm và không đúng nồng độ liều lượng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố gây bức xúc cho cộng đồng,” ông Toản chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay trình độ công chức thanh tra chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở một số địa phương còn yếu kém, kinh phí, trang thiết bị chưa đồng bộ và việc phân định nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành còn chồng chéo, chưa thực sự rõ ràng giữa thanh tra Sở và các Chi cục.
Do vậy, để đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra ông Việt nêu rõ, các địa phương cần phối hợp với các lực lượng công an, quản lý thị trường tăng cường tiến hành thanh, kiểm tra đột xuất; siết chặt quản lý sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, các địa phương cần thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn rộng rãi và thường xuyên cho bà con nông dân về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, đặc biệt là các vùng sản xuất rau, quả.
Nguồn: T.TR/ nhandan.com.vn