Tuy nhiên chủ yếu là xử lý tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả còn tội phạm xâm phạm quyền SHTT thì còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Năm 2018 lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn quốc đã phát hiện, điều tra xử lý 467 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm SHTT, trong đó khởi tố 65 vụ/84 bị can; chuyển xử lý hành chính 402 vụ, còn một số vụ việc là hàng hóa giả mạo, xâm phạm nhưng không chứng minh được đối tượng liên quan (hàng vô chủ) nên chỉ tịch thu, tiêu hủy.
Tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả và tội phạm xâm phạm SHTT luôn song hành với nhau với phương thức, thủ đoạn hoạt động tương đối giống nhau và ngày càng tinh vi, triệt để lợi dụng cơ chế, chính sách, thành tựu khoa học kỹ thuật để thực hiện hành vi vi phạm, trước đây đối tượng vi phạm thường chỉ là những người có trình độ dân trí thấp, thất nghiệp hoạt dộng nhỏ lẻ thì nay, đối tượng có xu hướng chuyển sang thành phần có trình độ nhận thức, học vấn, thậm chí có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết chính sách, am hiểu nhu cầu thị trường và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet đã tạo môi trường thuận lợi cho bùng phát các hoạt động kinh doanh trên các trang mạng điện tử, người tiêu dùng chỉ cần có nhu cầu là được giao tận tay, nhưng nguồn gốc, xuất sứ và chất lượng thì rất khó kiểm soát.
Nguồn gốc hàng hóa xâm phạm SHTT: thứ nhất là từ nước ngoài đưa vào, các đối tượng thường đặt hàng hóa, nhãn mác riêng lẻ sau đó đưa vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, tập trung tại các làng nghề, khu công nghiệp để gắn nhãn mác đưa đi tiêu thụ, các mặt hàng chủ yếu là quần áo, giày dép, túi xách...Trong nước, các đối tượng thành lập các đơn vị có chức năng sản xuất, kinh doanh hàng hóa, sau đó căn cứ nhu cầu thị trường đối với từng loại hàng hóa tiến hành thu mua nguyên liệu, sản xuất ra các sản phẩm có bao bì nhãn mác gần giống, chứa nhiều yếu tố gây nhầm lẫn với các sản phẩm có thương hiệu, uy tín trên thị trường để bán kiếm lời, tập trung vào các dòng sản phẩm đồ uống giải khát, đồ gia dụng, điện máy...những vi phạm chủ yếu là “xâm phạm quyền” đối với nhãn hiệu (cách điệu chữ viết, hình ảnh) và kiểu dáng (màu sắc, hình dáng) công nghiệp đã được bảo hộ. Theo thông tin từ Cục SHTT, nhiều năm trở lại đây các doanh nghiệp đã chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình, nhưng số đơn không đảm bảo yêu cầu khá lớn nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu bằng hình thức copy, nhái nhãn hiệu đã được bảo hộ, rất ít có sự sáng tạo và chủ yếu nhái nhãn hiệu nước ngoài. Địa bàn tiêu thụ chủ yếu là các vùng nông thôn, khu công nghiệp, nơi tập trung những người có thu nhập thấp ít am hiểu về SHTT.
Trước tình hình vi phạm về SHTT đang diễn ra phổ biến và có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và số lượng hàng hóa bị xâm phạm, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan vào cuộc quyết liệt như: chỉ đạo 9 Bộ, ngành tiếp tục ký kết Chương trình phòng chống xâm phạm SHTT giai đoạn 3 (đã triển khai có hiệu quả 2 giai đoạn từ 2010 đến 2016), giao Bộ KHCN chủ trì phối hợp 8 Bộ xây dựng Đề án Chiến lược SHTT giai đoạn 2020 - 2030.
Biện pháp hình sự là biện pháp xử lý mạnh nhất, nghiêm khắc nhất đối với các hành vi phạm tội, được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý thực hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, các biện pháp xử lý có thể áp dụng là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Biện pháp hình sự thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật có ý nghĩa răn đe và giáo dục quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này và được áp dụng đối với các hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ thể quyền phù hợp với luật pháp quốc tế và các Hiệp định, điều ước mà nước ta là thành viên như: Hiệp định Trips, CPTPP...
Lĩnh vực SHTT là rất rộng, bao gồm: quyền tác giả, quyền liên quan; quyền SHCN (nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí mật kinh doanh); quyền đối với giống cây trồng nhưng hiện nay, tội xâm phạm quyền SHTT được quy định bằng 2 điều luật (Điều 225: tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Điều 226: tội xâm phạm quyền SHCN) trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, lực lượng Cảnh sát kinh tế chủ yếu tập trung phát hiện, điều tra xử lý đối với tội xâm phạm quyền SHCN, còn tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thường do lực lượng An ninh điều tra, xử lý. Theo quy định của BLHS, tội phạm xâm phạm SHTT được quy định cụ thể về hình thức định khung, mức hình phạt tương ứng và lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại có hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Tại Điều 226 quy định đối tượng xâm phạm quyền SHCN bị xử lý hình sự là “giả mạo nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý” còn các nội dung khác như: kiểu dáng, sáng chế...không được quy định, trong khi đó thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này cho thấy những vi phạm về kiểu dáng, sáng chế diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, doanh thu và lợi ích của các chủ thể quyền.
Nguồn BCĐ389