Nỗi lo bùng phát dịch
Ngày 19/2, Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - thông báo việc phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hưng Yên với hơn 130 con và tỉnh Thái Bình với 123 con. Theo Cục Thú y, ngay sau khi phát hiện, toàn bộ số lợn mắc bệnh đã được tiêu hủy để tránh dịch bệnh lây lan. Tại hai địa phương có dịch, chính quyền đã lập các chốt chặn vận chuyển, buôn bán lợn sống, các sản phẩm thịt lợn, tổ chức khử trùng toàn bộ môi trường khu vực chăn nuôi, các chợ dân sinh. Cục Thú y cũng đã tổ chức lấy hàng trăm mẫu phân tích từ các đàn lợn ở khu vực xung quanh ổ dịch được phát hiện nhằm phong tỏa dịch một cách tốt nhất.
Cục Thú y khuyến cáo, người chăn nuôi cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp khử trùng chuồng nuôi bằng vôi bột, thuốc sát trùng, nhằm phòng xa dịch bệnh. Khi phát hiện lợn nghi mắc bệnh hoặc bị bệnh, người chăn nuôi cần báo với chính quyền, cơ quan thú y sở tại để được hỗ trợ xử lý dịch bệnh và hưởng chính sách đền bù. Tuyệt đối không bán lợn bệnh, không tự ý vứt xác lợn chết ra môi trường nhằm tránh lây lan. Đại diện Cục Thú y cho biết, hiện đã có chính sách hỗ trợ đền bù thiệt hại cho người chăn nuôi khi đàn lợn bị bệnh dịch và tiêu hủy với mức giá chung là 38.000 đồng/kg.
Dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh đặc chủng trên đàn lợn, không lây bệnh cho động vật khác, không ảnh hưởng đến sức khỏe và lây bệnh sang con người. Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn. Bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện không có thuốc chữa, lợn mắc bệnh tỷ lệ chết 100%.
Theo OIE, từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo có bệnh dịch tả lợn châu Phi và đã tiêu hủy hơn 1 triệu con. Tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2/2019, đã xảy ra 105 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 25 tỉnh và có hơn 950.000 con lợn đã bị tiêu hủy.
Tiến sĩ Kiều Minh Lực, Phó Tổng giám đốc phụ trách di truyền giống Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, thực tế hiện có nhiều người chăn nuôi lợn đang lo ngại không biết làm thế nào để đóng kín cửa chuồng không cho virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào trại. Tất cả các biện pháp an toàn sinh học đối với đàn lợn đang được áp dụng như tiêm phòng vắc xin dịch tả heo cổ điển, sát trùng chuồng trại hàng ngày, không cho người lạ vào thăm trại, diệt ruồi muỗi, côn trùng, quản lý người làm việc và phương tiện vào trang trại chặt chẽ, việc còn lại là may rủi.
Để bảo vệ đàn lợn cho người dân, tại một số quốc gia như Thái Lan, Philippines chính phủ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn từ 6 quốc gia đang có bệnh dịch tả châu Phi lưu hành (Trung Quốc, Latvia, Ba Lan, Romania, Nga và Ukraine). Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cần siết chặt việc nhập khẩu lợn và thịt lợn từ các vùng đang có dịch để phòng xa dịch bệnh. “Một kế hoạch phòng ngừa nguồn lây dịch bệnh từ xa và được kiểm soát chặt chẽ là giải pháp an toàn cho ngành chăn nuôi lợn ở nước ta vào thời điểm này”, ông Lực chia sẻ.
Giá lợn hơi cao mừng nhưng vẫn lo
Sau Tết Nguyên đán, giá lợn hơi tại khu vực miền Nam liên tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đối với người chăn nuôi, đây là dịp “thu lãi”: Để bù đắp cho những ngày tháng thua lỗ kéo dài vì theo nghiệp chăn nuôi. Tuy nhiên, trước niền vui lợn bán giá cao, không ít người chăn nuôi lo lắng vì nếu tăng đàn có tránh được tình trạng cung vượt cầu như từng đã xẩy ra trong nhiều năm và dịch tả lợn châu Phi có được kiểm soát hoàn toàn.
Tại khu vực miền Nam, khảo sát ngày 20/2/2019, giá lợn hơi ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bến Tre giao động từ 54.000 - 57.000 đồng/kg, tăng bình quân từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với đầu tuần. Theo các chủ trang trại chăn nuôi, giá lơn chưa có dấu hiệu dừng lại và có thể tăng lên mức 60.000 đồng/kg trong những ngày tới, do nguồn cung ít hơn nhu cầu của thị trường. Trong đó, tại Bến Tre, giá lợn tăng từ 55.000 đồng/kg lên 57.000 đồng/kg (giá lợn hơi cao nhất nước); Vĩnh Long tăng từ 53.000 đồng/kg lên 56.000 đồng/kg; Bình Phước tăng từ 49.000 đồng/kg lên 51.000 đồng/kg, Tây Ninh tăng từ 49.000 lên 52.000 đồng/kg.
Ghi nhận từ các trang trại chăn nuôi lợn ở Đồng Nai cho thấy, giá lợn hơi tăng mạnh sau dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi do ba nguyên nhân: một lượng lớn lợn thịt đã cung cấp cho thị trường tiêu dùng Tết, nguồn cung giảm do tổng đàn giảm bởi thua lỗ kéo dài và khuyến cáo của ngành nông nghiệp về thông tin dịch tả lợn châu Phi có thể lây lan vào Việt Nam xuất hiện vào dịp tháng 8/2018 kiến nhiều trang trại không đầu tư mạnh vào chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Bình, chủ trạng trại chăn nuôi lợn (xã Gia Canh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cho biết, so với 3 năm trước người nuôi lợn ở xã Gia Canh giảm khoảng 1/3, nguyên nhân nghề nuôi heo quá “phập phù” vì không đoán định được giá bán và nhu cầu của thị trường. Thông thường, ngay sau dịp Tết Nguyên đán, người nuôi heo ở khu vực này đều tăng đàn nhưng vào dịp này có rất ít người mở rộng quy mô chăn nuôi vì sợ lâm vào cảnh khủng hoảng thừa, dịch bệnh tả lợn châu Phi vừa xuất hiện ở miền Bắc khiến cho nhiều trại chăn nuôi càng phải đắn đo hơn trong sản xuất.
Nguồn Báo Công Thương