Sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định Áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, giá thép trong nước tăng mạnh. Tốc độ tăng giá thép như hiện nay khiến hàng loạt công trình đang xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh bị đội vốn. Thậm chí, nhiều nhà thầu và các công ty xây dựng đã phải tạm ngưng hoạt động để xin điều chỉnh hợp đồng.
Hơn một tuần nay, hàng đoàn xe tải nối đuôi nhau trên quốc lộ 13 chở sắt, thép từ tỉnh Bình Dương về thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết lượng hàng này được vận chuyển đến các đại lý vật liệu xây dựng ở các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân. Đối với các công trình đang thi công, hầu như không có công ty xây dựng nào nhập lượng thép lớn để dự trữ vì tại công trường không có kho chứa, nếu không bảo quản tốt thì sẽ bị rỉ sét. Vì vậy, tiến độ xây dựng đến đâu thì nguyên liệu sẽ nhập về đến đó.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại – Xây dựng Lê Thành cho biết, mỗi tuần Công ty mua một đơn hàng thép với trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Thép cuộn hiện có giá 12,8-13,2 triệu đồng/tấn, thép cây 11,9-12,35 triệu đồng/tấn (tùy loại).
Ông Nghĩa so sánh, từ đơn hàng ngày 4/3 đến đơn hàng ngày 22/3, giá thép tăng đến 27%. Trên thực tế, nguyên liệu thép chiếm từ 15 đến 25% giá trị công trình. Việc tăng giá thép đến 27% như vậy là vấn đề rất nan giải đối với các nhà thầu. Đặc biệt đối với các công trình lớn mà các công ty xây dựng nhận hợp đồng bao vật tư. Chỉ trong vòng 20 ngày mà giá thép tăng mạnh như vậy là điều mà các doanh nghiệp xây dựng không lường trước được, dẫn đến thua lỗ.
Theo ông Nghĩa, “đối với những đơn vị xây dựng nhà hay những công trình như chúng tôi đang làm, chúng tôi cũng phải tính đơn giá đó vào giá trị công trình. Mà người dân vẫn là những người tiêu thụ sảm phẩm sau cùng, là người phải gánh chịu. Toàn bộ thị trường thép rất lớn hiện nay, việc tăng giá đó bao nhiêu người phải gánh, nhưng cái tiền đó lại chảy vào các công ty kinh doanh thép hiện nay. Đây là sự không công bằng trên thị trường”.
Trong hai năm qua, giá thép trong nước biến động theo hướng giảm và giảm rất sâu. Đặc biệt, từ đầu năm 2015, giá thép từ 520 USD/tấn đã giảm xuống còn 280USD/tấn vào cuối tháng 12/2015. Vì vậy, các công ty sản xuất thép gặp khó khăn khi giá thép bán ra thấp hơn chi phí sản xuất. Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, việc Bộ Công thương ban hành quy định để chống thép nhập ngoại bán phá giá vào Việt Nam nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước thời điểm này là hợp lý.
Theo quyết định của Bộ Công Thương, mức thuế tạm thời đối với phôi thép là 23,3%, thép dài là 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung. Trước đó, thuế nhập khẩu đối với phôi thép là 10%, thép dài 0%-5%. Mặc dù mức thuế này mới được áp dụng từ hôm qua (22/3), nhưng việc giá thép đã tăng mạnh nhiều ngày trước đó là hiện tượng bất thường. Việc các doanh nghiệp trong nước “bỗng dưng” tăng giá thép bán ra lên cao như vậy trong thời gian qua gây thiệt hại rất lớn đối với người tiêu dùng.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình cho biết: “Cái mức tăng giá thép hiện nay tôi cho rằng chưa phù hợp với sự biến động của thị trường khi phôi thép nhập khẩu bị đánh thuế cao. Chẳng qua là do dự báo khi mà phôi thép tăng cao thì giá thép sẽ bị điều chỉnh theo chứ thực sự là khi chưa có một lô phôi thép nào bị đánh thuế tăng lên cả, mà thị trường thép đã tăng rồi”.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, thị trường tăng giá ào ạt là vô lý bởi năng lực sản xuất thép trong nước đang vượt rất xa nhu cầu. Việc một số doanh nghiệp điều chỉnh giá bán với lý do giá nguyên liệu tăng chỉ có thể chấp nhận được nếu nguyên liệu đó cập cảng Việt Nam từ tháng 4 trở đi. Câu hỏi đặt ra là có hay không việc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép ghim hàng, đầu cơ rồi đẩy giá bán cao hơn để trục lợi?
Trong hai tháng đầu năm nay, tổng lượng thép xây dựng tiêu thụ trên thị trường xấp xỉ 1,1 triệu tấn. Theo dự báo, trong năm 2016 này, nếu GDP tăng 7%, công nghiệp xây dựng tăng hơn 10% thì tiêu thụ thép các loại dự kiến tăng hơn 10%. Trong khi đó, năng lực sản xuất của các công ty thép trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu này. Vì vậy, việc cung vượt quá cầu đối với mặt hàng này là rất khó xảy ra.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Nam Kim cho biết: “Nguyên nhân chính dẫn đến giá thép tăng thời gian qua là do giá thép nhập khẩu tăng. Hiện nay, các công ty thép của Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu gần như 100%. Thép nguyên liệu tăng 100 USD tức là 2,2 triệu đồng/tấn nhưng với giá thép trong nước như théo xây dựng cũng như các mặt hàng tôn mạ tăng chưa tới 1 triệu đồng/tấn. Đó là quy luật của kinh doanh, của kinh tế thị trường. Chúng tôi bán ra 1 tấn thép thì chúng tôi lại phải mua lại 1 tấn thép”.
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ đang bước vào mùa khô. Như mọi năm, nhu cầu sắt thép xây dựng sẽ tăng cao trong vòng 2-3 tháng tới. Việc giá thép tăng liên tục như hiện nay đang khiến các doanh nghiệp xây dựng và người tiêu dùng gặp khó khăn. Họ đang chờ những biện pháp mà Bộ Công thương sẽ đưa ra để điều tiết thị trường nếu giá thép cứ tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới./
Thành Trung/VOV.vn