Thứ Sáu, 22/11/2024 18:23:05 GMT+7
Lượt xem: 7911

Tin đăng lúc 21-09-2017

Giá thép tăng cao kỷ lục

Giá thép trong nước đã tăng mạnh theo giá thế giới, sản lượng xuất khẩu của một số doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh; dự báo nhiều khả năng giá thép trong nước và thế giới sẽ tăng tiếp
Giá thép tăng cao kỷ lục
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Tiến Lên (Đồng Nai), nhìn nhận giá thép công nghiệp đã tăng 20% từ đầu quý III đến nay và dự báo khó giảm trong vài tuần tới.

 

Đạt đỉnh trong nhiều năm qua

 

Bà Kim Nhung, chủ đại lý thép ở Long An, cho biết giá thép xây dựng các loại vẫn trên đà tăng trong vài tuần qua. Giá thép xây dựng bán ra hiện không có thuế GTGT đã là 14,5 triệu đồng/tấn, cao hơn vài tuần trước đến 1 triệu đồng/tấn. Tương tự, giá thép công nghiệp cũng trong đà tăng. "Cứ giá thép thế giới tăng là trong nước tăng theo, giá công ty nhích lên thì đại lý phải bán cao hơn. Nhiều khách hàng đang xây dựng công trình liên tục thắc mắc về giá, làm người bán cũng rối tung" - bà Nhung nói.

 

Theo những người am hiểu thị trường thép, ngoài yếu tố cung cầu, việc cháy một nhà máy rất lớn của Công ty Thép Steel Plates Bengang (Trung Quốc) đã đẩy giá thép cán nóng trên sàn giao dịch Tương lai Thượng Hải tăng lên mức kỷ lục khi đạt 4.400 nhân dân tệ/tấn (tương đương 674,48 USD/tấn). Đó cũng là lý do khiến giá thép toàn thế giới lên đỉnh cao nhất trong nhiều năm qua.

 

Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai, đánh giá sau sự cố ở Trung Quốc, giá thép trong nước tăng theo. Giá thép cán nóng hiện dao động ở mức 590 - 620 USD/tấn, trong khi tháng trước chỉ 420 - 450 USD/tấn.

 

Theo ông Khương, giá thép trong nước đang ở mức cao nhất từ năm 2009-2010 trở lại đây, chỉ thấp hơn đỉnh của năm 2008 là trên 700 USD/tấn. Nguyên nhân khiến giá thép trong nước và thế giới liên tục tăng trong thời gian gần đây là do Trung Quốc vẫn còn hạn chế sản xuất mặt hàng này. Họ đã buộc đóng cửa các nhà máy không đủ tiêu chuẩn về môi trường. Nhà máy nào muốn duy trì hoạt động thì phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe. 

 

Bên cạnh đó, do việc hạn chế giao thương với Triều Tiên nên nguồn cung than cốc từ nước này giảm. Dự báo giá thép sẽ còn tăng cho đến đầu năm 2018 do nhu cầu xây dựng đang vào mùa. Các công trình dân dụng trong nước vừa né tháng "cô hồn" nên từ nay đến tháng 4 năm sau, tiến độ xây dựng tăng trở lại. Giá thép có thể giảm nhưng không đáng kể, tuy nhiên khả năng tăng vẫn cao hơn.

 

Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo các nhà máy thép dẹt ở châu Âu sẽ tăng giá chào hàng lên tới 40 euro/tấn. Họ viện lý do chi phí đầu vào và nhu cầu thép phế liệu toàn cầu tăng. Giá thép phế liệu Thổ Nhĩ Kỳ hiện đạt mức cao kỷ lục trong 5 năm qua, dự kiến sẽ đẩy giá thép phế liệu của Mỹ tăng theo.

 

Xuất khẩu tăng 80%

 

Báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm nay của cả nước đạt 191,73 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu thép tăng đến 80%, tương ứng trên 50 triệu USD. Cụ thể, một số doanh nghiệp thép trong nước đã xuất khẩu sản phẩm mạnh sang các nước như Campuchia, Lào, Mỹ, Canada, Úc... Theo báo cáo vừa công bố của Công ty Thép Hòa Phát, tháng 8 vừa qua, thép xây dựng Hòa Phát đạt sản lượng khá cao dù đang vào mùa thấp điểm. 

 

Theo đó, tổng lượng thép xây dựng công ty này bán ra thị trường là 192.600 tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước và duy trì thị phần dẫn đầu với xấp xỉ 24%. Lũy kế 8 tháng, công ty này đã tiêu thụ hơn 1,4 triệu tấn thép xây dựng các loại, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, lượng thép xuất khẩu của Hòa Phát tăng khoảng 9 lần so với cùng kỳ. Cụ thể, tháng 8-2017, Hòa Phát xuất khẩu 116.000 tấn, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt gần 12.000 tấn. Ngoài thép xây dựng, thép cuộn rút dây, Hòa Phát còn xuất khẩu khoảng 27.000 tấn phôi thép từ đầu năm đến nay.

 

Trong khi đó, đại diện Công ty Thép Pomina, ông Đỗ Duy Thái, nhận định giá thép trong nước luôn biến động tức thì theo giá thế giới. So với tháng trước, giá thép xây dựng đã tăng 1 triệu đồng/tấn, lên 14 triệu đồng/tấn tại nhà máy. Pomina bán ra bình quân 100 tấn thép/tháng thì 30% là xuất khẩu. Nhu cầu tiêu thụ thép thế giới năm nay tăng tương đối tốt, khoảng 14% so năm ngoái. Trong khi đó, thu cầu nội địa tăng khoảng 12%.

 

Nhu cầu tăng

 

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nhìn nhận nguyên nhân chính khiến giá thép trong nước và quốc tế tăng liên tục trong thời gian gần đây là do thị trường thép Trung Quốc (quốc gia chiếm khoảng một nửa sản lượng và tiêu thụ thép của thế giới) sôi động trở lại. Tình hình kinh tế ở Trung Quốc phục hồi, kéo theo nhu cầu thép tăng. Tháng 7 và 8 vừa qua, dù buộc đóng cửa nhiều nhà máy nhưng sản lượng thép của Trung Quốc vẫn đạt mức kỷ lục. Dự báo, năm 2017, Trung Quốc có thể đạt sản lượng 840 triệu tấn thép. Vì vậy, nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp thép tăng, làm cho giá nguyên liệu (quặng sắt, than cốc, thép phế liệu) tăng, kéo theo giá bán thành phẩm (phôi thép, thép cuộn cán nóng) và thép thành phẩm tăng theo.

 

Ngành thép Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu và bán thành phẩm để phục vụ cho sản xuất trong nước. Theo đó, 7 tháng đầu năm, ngành thép nhập gần 1 triệu tấn quặng sắt, 1 triệu tấn than mỡ để luyện than cốc, 2,3 triệu tấn thép phế liệu, hơn 5 triệu tấn thép cuộn cán nóng. Do giá nguyên liệu trên thế giới tăng nên các nhà sản xuất thép trong nước cũng phải tăng giá bán sản phẩm. Trong thời gian tới, dự báo giá nguyên liệu cũng như thép thành phẩm tiếp tục tăng. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không quá lớn vì hiện đã ở mức cao. Nguyên nhân do là quý cuối năm nên nhu cầu thép thường tăng hơn bình thường.

 

Nguồn Nld.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang