Vào cuối tháng 7, chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó ra lệnh đóng cửa các mỏ chì không đủ tiêu chuẩn. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung than điện cực chì- một nguyên liệu dùng trong sản xuất thép bằng lò điện, mặc dù có hệ số rất nhỏ 0,007 tấn/1 tấn thép nhưng cũng chiếm khoảng 10% giá thành sản xuất theo công nghệ EAF. Giá than điện cực chì đã tăng tới 4 lần trong quý 2 tại thị trường Trung Quốc.
VSA cũng dự báo giá phôi sẽ ở mức cao, lên tới 10,7 triệu đồng/tấn, tương đương với giá thép thành phẩm. Thậm chí thiếu than điện cực trong thời gian dài sẽ dẫn tới khả năng gián đoạn hoạt động. Thị trường thép sẽ thiếu hụt nguồn cung phôi và thép thành phẩm, đặc biệt là khu vực phía nam khi hầu hết các nhà máy thép đều sử dụng công nghệ EAF này.
Trong khi tại thị trường Việt Nam, nhu cầu thép xây dựng vẫn đang diễn biến theo hướng tích cực. Tổng tiêu thụ của các doanh nghiệp thành viên VSA tháng 7/2017 đạt hơn 900.000 tấn, cao thứ hai trong vòng 3 năm gần đây, chỉ thấp hơn tháng 3/2016 khi thuế chống bán phá giá phôi thép và thép xây dựng bắt đầu có hiệu lực.
Cũng theo Hiệp hội Thép, trong tháng 7/2017, các nhà máy thép đã tăng giá 3-4 lần với mức tăng tới 6,7%-8,2% chỉ trong vòng một tháng. Trong điều kiện giá phôi thép đang bật tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 8, giá thép được dự báo vẫn có thể tăng mạnh hơn nữa.
Các sự kiện đang diễn ra trên thị trường thép thế giới đang dự báo xu hướng tăng mạnh của giá thép trong tương lai. Các chính sách tái cơ cấu ngành thép của Trung Quốc bằng quyết tâm cắt giảm dư cung thép và ngưng các nhà máy gây ô nhiễm môi trường và lực cầu dồi dào của nước này trong những tháng gần đây đã khiến giá phôi thanh và thép cán nóng thế giới tăng mạnh kể từ tháng 5. Các nguyên liệu thượng nguồn như quặng sắt, than cốc và thép phế cũng đang trong đà tăng tương đối vững chắc.
Nguồn Thời báo Kinh doanh