Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản – Bộ NN&PTNN, giá thịt lợn tại các tỉnh miền Bắc tiếp tục duy trì ở mức cao không có nhiều biến động.
Cụ thể, tại Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai đang dao động từ 61.000 – 63.000 đồng/kg. Tỉnh Hà Nam, nơi được coi là có đàn lợn lớn nhất miền Bắc, giá đang dao động quanh mức 59.000 – 63.000 đồng/kg.
Với giá thành hiện nay, các hộ chăn nuôi có thể lãi từ 1,5- 2 triệu đồng/tạ lợn. Tuy nhiên, nhiều địa phương không có lợn để bán dẫn đến tình trạng phải nhập từ các địa phương lân cận như Thái Bình, Quảng Ninh…
Việc giá lợn hơi chững do chính sách cấm xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc của Bộ NN-PTNT và có hiện tượng lợn từ Thái Lan qua Campuchia vào Việt Nam. Tuy nhiên, giá lợn ở ngưỡng trên 60.000 đồng/kg đang là mức giá cao nhất của 3 năm trở lại đây.
Giá thịt lợn sẽ tiếp tục đứng ở mức cao khi việc tái đàn bổ sung lượng lợn thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi còn cần thời gian và nhu cầu tiêu thụ thịt lợn gia tăng dịp cuối năm.
Tại miền Trung, Tây Nguyên, nơi có mức giá thịt lợn cao nhất vẫn là Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An và Lâm Đồng 60.000 đồng/kg; Tại Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hoà… đạt từ 51.000 – 57.000 đồng/kg.
Khu vực các tỉnh miền Nam giá lợn tăng trở lại từ 1.000 -2.000 đồng/kg. Tại tỉnh Cà Mau, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre giá thịt lợn khoảng 56.000 - 57.000 đồng/kg.
Theo Cục Hải quan TPHCM, đến ngày 15/10 có 10.820 tấn thịt lợn thành phẩm các loại được nhập về qua các cửa khẩu của thành phố. Với con số trên, lượng thịt lợn các loại nhập khẩu qua các cửa khẩu ở TPHCM đã tăng hơn 1,5 lần so với năm 2018. Chính việc nhập khẩu thịt lợn của các doanh nghiệp đã khiến giá thịt lợn ở khu vực miền Nam thấp hơn miền Bắc./.
Theo VOV