Cục Hàng không Việt Nam cho biết, giá vé máy bay đã “hạ nhiệt” trong dịp cao điểm hè và chưa chạm khung giá trần. Theo đó, giá vé trên các chặng bay nội địa hạng phổ thông cơ bản (chưa gồm thuế, phí) được các hãng hàng không Việt Nam công bố đang thấp hơn đáng kể so với mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa hạng phổ thông cơ bản theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Vé máy bay giảm, người dân "săn" vé đi du lịch
Những tháng vừa qua, giá vé máy bay là một trong những thông tin được người tiêu dùng quan tâm nhất. Từ trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, giá vé được xem như là “trên trời” vì có những chặng bay lên tới 3,2 - 4 triệu/đồng cho hạng phổ thông và 7 - 9 triệu/đồng cho hạng thương gia.
Tuy nhiên, bước vào cao điểm du lịch hè là tháng 6,7,9 giá vé máy bay “hạ nhiệt”, thấp hơn nhiều so với giá trần.
Khảo sát tại website của một số hãng hàng không, khung giá vé máy bay chặng TPHCM - Hà Nội trong tháng 6 của Vietnam Airlines chỉ dao động mức 1,9 triệu – 3,7 triệu (tuỳ hạng vé). Trong khi đó, hãng Vietjet Air đang bán vé chặng bay này với giá 1,4 triệu – 5 triệu (tuỳ hạng vé).
Các đường bay nhộn nhịp như TPHCM - Thanh Hoá; TPHCM - Vinh (Nghệ An); TPHCM - Đà Nẵng giá vé cũng nằm ở mức dao động từ 1,2 - 3 triệu đồng.
Một đường bay khác là TPHCM – Phú Quốc, giá vé máy bay Vietnam Airlines trong cuối tháng 6 có giá 1 – 4 triệu đồng (tuỳ hạng vé). Riêng hãng Vietjet Air đang bán vé chặng bay này với giá 1 triệu – 3,5 triệu đồng (tuỳ hạng vé).
Đơn cử, chặng bay Hà Nội - TPHCM vào ngày 8/6 của Vietnam Airlines có giá thấp nhất khoảng 1,3 triệu đồng/vé và giá cao nhất gần 3 triệu đồng/vé (tương đương 37-86,4% mức giá tối đa); Vietjet dao động 1,1-2,6 triệu đồng/chiều/vé; Bamboo Airways có giá vé dao động từ 1,1-1,5 triệu đồng/chiều; Vietravel Airlines giá vé từ 1,1-1,2 đồng/chiều (tương đương 29,6-35,2% mức giá tối đa theo quy định). Trong khi đó, giá tối đa của chặng bay này theo quy định là 3,4 triệu đồng/chiều.
Ở chặng Hà Nội - Đà Nẵng, mức giá vé tối đa theo quy định là 2,89 triệu đồng. Song hiện giá vé của Vietnam Airlines từ 729.000 đồng đến 1,8 triệu đồng/chiều (tương đương 25-62% mức giá tối đa); Vietjet Air có mức giá 390.000 đồng đến 1,7 triệu đồng/chiều (tương đương 13,5 - 57,1% mức giá tối đa); Bamboo Airways dao động từ 769.000 đồng đến 1,4 triệu đồng/chiều.
Trên chặng Hà Nội - Phú Quốc, giá vé từng cao ngất ngưởng, song hiện Vietnam Airlines công bố giá 2,3 triệu đồng/vé (tương đương 56,7% mức giá tối đa theo quy định); Vietjet Air có giá dao động từ 1,4-2 triệu đồng (tương đương 34,8-51% mức giá tối đa theo quy định).
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 6 này, giá vé đang ở mức tương đương 13 - 80% mức giá tối đa được quy định trên các chặng bay. Giá vé trong tháng 7 tương đương từ 20 - 70% mức tối đa trên các chặng bay.
Bên cạnh đó, từ ngày 10/6, hãng bay sẽ tăng chuyến bay đêm trên nhiều đường bay, để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách dịp cao điểm hè.
Vé máy bay “hạ nhiệt” nhiều người “săn” vé đi du lịch. Chị Nguyễn Thu Hà (Đồng Nai) cho hay: “Hè năm nay có kế hoạch cho các con đi du lịch ở Sầm Sơn (Thanh Hoá), cách đây 20 ngày, tôi có xem giá vé máy bay dịp cuối tháng 6,thời điểm này các hãng bán giá vé còn cao hơn 2 triệu đồng/chặng. Nhà tôi đi 4 người sẽ tốn rất nhiều chi phí, nên chuyển sang các địa điểm du lịch gần để di chuyển bằng ô tô. Nhưng hôm qua xem lại thì thấy giá vé đã giảm, nên tôi lại quyết định cho gia đình đi Sầm Sơn”.
Theo chị Hà, chặng bay TPHCM - Thanh Hoá bay ngày 28/6 của Vietjet Air có giá 1,3 triệu/người/vé đã bao gồm thuế phí, rẻ hơn 700 nghìn đồng/vé so với thời điểm mua hồi tháng 5 vừa qua.
Làm gì để giá vé máy bay ổn định?
Theo các hãng hàng không, một trong số lý do khiến giá vé nội địa tăng cao là thị trường hàng không thiếu máy bay làm giảm năng lực cung ứng và tỷ lệ thuế, phí các hãng hàng không thu hộ chiếm 10-30% tổng chi phí vé. Để duy trì giá vé máy bay ở mức ổn định Nhà nước cần điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ các hãng trong giai đoạn khó khăn, đồng thời giảm 50% phí điều hành bay.
Cùng với đó, đơn vị quản lý cảng cần nghiên cứu quy trình điều hành ở sân bay theo hướng khoa học hơn. Bởi, hiện tại, một số hãng phải bay chờ, hạ tầng sân bay cũng như mật độ khai thác quá cao, ảnh hưởng rất lớn tới thời gian bay của các hãng. Nếu thời gian chờ được rút ngắn, các hãng hàng không có thể khai thác nhiều hơn, tăng doanh thu cao hơn; từ đó chi phí giảm xuống, hàng không cũng đỡ khó khăn hơn.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong cơ cấu giá tour, giá vé máy bay và dịch vụ chiếm 30-40%. Do đó, giá vé tăng sẽ ảnh hưởng đến giá tour, giảm năng lực cạnh tranh của tour nội địa. Khi làm việc với các đơn vị liên quan, ông được biết giá vé tăng do chi phí dịch vụ ở sân bay, giá đầu vào nhiên liệu và số lượng máy bay phải bảo dưỡng lớn.
"Chúng tôi đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, ban hành chính sách giảm giá, phí điều hành tại các sân bay, góp phần hạ giá tour", ông Hùng cho hay.
Mặt khác, thời gian qua nhiều máy bay bảo dưỡng, bảo hành, nên số lượng máy bay không nhiều như trước, ảnh hưởng đến giá vé.
Trước tình hình đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính báo cáo cấp thẩm quyền, xem xét, ban hành các chính sách, hỗ trợ giảm giá, phí, góp phần hạ giá tour.
Cụ thể, với các hãng hàng không, ông đề nghị cần đảm bảo số lượng máy bay để đảm bảo các tuyến, tăng cường chuyến bay đêm, khung giờ bay để đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân, du khách.
Với các doanh nghiệp lữ hành, cần tối ưu hóa trong chương trình tour, xây dựng điểm đến linh hoạt và có thể kết nối, xây dựng được gói sản phẩm kích cầu du lịch và có sự hỗ trợ lẫn nhau để hạ giá thành…
Các đề xuất trên đã được các cơ quan nhà nước, các hãng bay nghiên cứu, xem xét chấp thuận và Thủ tướng đã chỉ đạo. Do vậy từ ngày 28/5, giá vé máy bay trên các tuyến đã giảm nhiệt. Theo ông Hùng, lĩnh vực này phải quán triệt quan điểm "lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ". Hàng không, điểm đến du lịch và các ngành kinh tế phải tính toán kỹ lưỡng.
Với để xuất giảm giá thuế, phí, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, tỷ lệ thuế, phí trong vé máy bay được thu theo quy định và chiếm rất ít. Trong đó, Bộ Tài chính chỉ thu thuế VAT 8-10%, thuế thu nhập doanh nghiệp với các hãng hàng không.
"Thuế, phí trong giá vé máy bay được mấy xu, nhiều là bao nhiêu. Chúng ta cần hiểu các loại phí mọi người nói chiếm tỷ trọng cao trong giá vé là phí dịch vụ như phí đỗ máy bay, sân bay... do ngành giao thông quản lý", ông nói.
Theo Vnbusiness