Trong các phương thức vận tải, năm 2020 hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19, sản lượng vận tải giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Để “kích cầu” sau khi trong nước đã không chế được dịch bệnh, trong năm, các hãng hàng không đã liên kết với các hãng lữ hành, có nhiều chương trình với giá vé hấp dẫn.
Thời điểm này, thị trường trong nước đang có dấu hiệu hồi phục nhanh, nhu cầu đi lại của hành khách tăng vào dịp Tết, nhưng theo dự báo sẽ không cao như năm trước. Thông thường vào dịp cao điểm Tết, các hãng vận tải, từ hàng không, đường sắt đến đường bộ có sự điều chỉnh giá vé theo cân đối lượng khách, để bù đắp lượng “rỗng’ ở chiều ít khách. Ví như trước Tết, chiều đi từ TP HCM tới các nơi khác có lượng khách rất đông, nhưng sau Tết, thì ngược lại.
Theo nhìn nhận của ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển giao thông, giá vé tăng nằm trong tính toán cân đối của các hãng hàng không. “Bài toán giá vé của ngành hàng không thực sự khó khăn, khi thời gian vừa qua đã nỗ lực rất cao trong mùa dịch Covid-19, giờ nếu hàng không tính giá vé cao cũng là lấy thu bù chi một phần. Chi phí bỏ ra cao hay thấp thì do các hành khách lựa chọn các phương thức, trên tinh thần người dân cùng chia sẻ với nhà nước và doanh nghiệp”, ông Mười phân tích.
Cần nói thêm rằng, với biểu giá công bố hàng năm được cơ quan chức năng phê duyệt làm cơ sở, các hãng hàng không có sự điều tiết theo nhu cầu thị trường, thời điểm, cân đối hoạt động...
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, trong phương án biểu giá chuẩn bị ban hành cho năm 2021, tiếp tục bảo đảm các nguyên tắc cơ bản.
“Đơn giá chi phí xây dựng trên cơ sở tính đúng, phù hợp thực tế. Hiện nay có chủ trương điều chỉnh tới khung giá, nhưng khung giá đó trên nguyên tắc không bị ảnh hưởng tới những người bị điều chỉnh và những hành khách”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết./.
Theo VOV