Theo dữ liệu từ Bộ Công thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore có xu hướng tăng so với kỳ điều hành giá ngày 27/5. Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 ở ngưỡng 75,78 USD/thùng (kỳ trước 73,732 USD/thùng), xăng RON 95 là 77,26 USD/thùng (kỳ trước 75,441 USD/thùng). Cùng tăng gần 3% so với phiên trước.
Tương tự, giá dầu hỏa ở ngưỡng 73,61 USD/thùng có ngày chạm mức 74,33 USD/thùng; Dầu Diesel ngưỡng 74,12 USD/thùng (kỳ trước 72,138 USD/thùng); Dầu mazut ngưỡng 395,58 USD/tấn (kỳ trước 370,510 USD/tấn).
Một lãnh đạo công ty xăng dầu dự báo nếu không can thiệp quỹ bình ổn, giá xăng sẽ tăng 250 - 300 đồng/lít. Trong khi đó giá dầu được dự báo tăng ở mức hơn 300 đồng/lít tùy loại. Trường hợp nếu cơ quan quản lý chi mạnh tay quỹ bình ổn giá xăng có thể giữ nguyên.
Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ tăng trở lại ngay sau khi có phiên đứng giá vào ngày 27/5. Trong nửa năm qua (từ ngày 11/11/2020), giá xăng E5 RON 92 đã tăng tổng cộng 4.541 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 4.830 đồng/lít.
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất hôm 27/5, giá xăng dầu được giữ nguyên. Theo đó, xăng E5 RON 92 vẫn có giá bán tối đa là 18.426 đồng/lít; xăng RON 95 là 19.531 đồng/lít; dầu diesel 14.774 đồng/lít; dầu hỏa 13.825 đồng/lít và dầu mazut 14.279 đồng/kg. Tại kỳ này, cơ quan điều hành không trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) đối với một số loại xăng dầu. Đồng thời, việc chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu áp dụng ở mức 1.782 đồng/lít với xăng E5 RON 92, 875 đồng/lít đối với xăng RON95, dầu diesel 593 đồng/lít, dầu hỏa 483 đồng/lít, dầu mazut 37 đồng/kg.
Ngay trong các tháng đầu năm nay theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc giá xăng, dầu trong nước bình quân 5 tháng tăng 12,08% so với cùng kỳ năm trước là một trong những nguyên nhân chính làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 5 tháng đầu năm 2021.
Nhu cầu tiêu dùng xăng dầu toàn cầu trong các ngày đầu tháng 6/2021 tăng cao trở lại trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều nước lớn trên thế giới hồi phục mạnh mẽ, bất chấp những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, được nhìn nhận là yếu tố chính khiến giá dầu tăng vọt trên thị trường thế giới.
Giá xăng dầu có đặc thù riêng, giá tăng hay giảm là do giá thế giới. Giá dầu thế giới lên buộc giá trong nước cũng phải lên mà xuống cũng giảm theo.
Theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ, trong cơ cấu giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay đang có cơ cấu giá thuế khá cao. Các loại thuế trong xăng dầu chiếm khoảng 50% đến 55%. Ví dụ trong giá xăng dầu bán ra 15.000 đồng/lit thì giá phí và lệ phí chiếm một nửa.
“Đây là dư địa cho Nhà nước điều chỉnh, cân đối để giá xăng, dầu trong nước tương đương với khu vực chưa nói đến trên thế giới” - vị chuyên gia này nói và cho biết thêm, chúng ta phải cân đối điều chỉnh thế nào để đảm bảo chống lạm phát nhưng cũng đảm bảo sát với tình hình thực tế.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, diễn biến cung - cầu và giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu sẽ được theo dõi rất sát để hạn chế việc tăng giá ngay từ đầu năm 2021. Các chính sách tài khóa trong năm nay cũng được điều hành chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Theo Enternews.vn