Thứ Hai, 25/11/2024 00:02:23 GMT+7
Lượt xem: 1065

Tin đăng lúc 16-08-2021

Giải bài toán nhập khẩu tăng cao

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu của cả nước trong 7 tháng năm 2021 đạt hơn 188 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng khá cao, nhất là xét trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn. Do đó, cần phân tích về cơ cấu mặt hàng, thị trường… để giải bài toán nhập khẩu tăng cao, từ đó có hướng giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra.
Giải bài toán nhập khẩu tăng cao
Bốc dỡ hàng nhập khẩu tại Cảng Hải Phòng.

7 tháng qua, có 31 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 39,4 tỷ USD (chiếm 20,9% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 27,1 tỷ USD, tăng 36,8%...

 

Về cơ cấu, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 176,36 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,8% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).

 

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, hoạt động nhập khẩu vẫn tập trung vào nhóm nguyên, nhiên vật liệu, tư liệu sản xuất chính. Bên cạnh đó, hoạt động nhập khẩu cũng thường diễn ra cấp tập, với khối lượng lớn vào những tháng đầu năm, rồi giảm dần trong nửa cuối năm vì doanh nghiệp chuẩn bị sớm nguồn nguyên liệu cho sản xuất một cách chủ động. Đây là dấu hiệu tích cực, thể hiện sự phục hồi của sản xuất trong nước cũng như để phục vụ xuất khẩu.

 

Song, cần đánh giá sâu, rõ hơn về các vấn đề liên quan đến nhập khẩu. Trước hết, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng 7 tháng đạt 11,67 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ và chiếm 6,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tuy vậy, riêng nhập khẩu ô tô đạt 5,3 tỷ USD, tăng 76,7% so với cùng kỳ. Thực tế này cho thấy việc gia tăng nhập khẩu mặt hàng này không nên khuyến khích vì đó chỉ là hàng tiêu dùng thuần túy, không mang lại giá trị gia tăng và còn làm “chảy máu” một lượng ngoại tệ không nhỏ.

 

Đặc biệt, nếu xét về thị trường thì Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là sự thuận tiện về khoảng cách, dễ vận chuyển hàng hóa cũng như giảm thiểu về chi phí; giá hàng thường rẻ hơn so với hàng của nước khác; các điều kiện mua hàng linh hoạt hơn… Đây là “quán tính” trong hoạt động nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp trong nước, bởi nó đã hình thành từ nhiều năm qua và đến nay một bộ phận doanh nghiệp đã quen với việc sử dụng nguyên liệu đầu vào cũng như dây chuyền, thiết bị có xuất xứ Trung Quốc...

 

Theo các chuyên gia, việc lựa chọn đối tác, thị trường nào để nhập khẩu hàng hóa là quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu thường xuyên hoặc ngày càng tăng tỷ trọng nhập khẩu từ một thị trường nào đó có thể đẩy doanh nghiệp vào tình thế bất lợi khi xảy ra sự thay đổi đột ngột từ phía nguồn cung. Như vậy, nếu bị đứt gãy nguồn nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình huống bị động, thiệt hại. Kinh nghiệm rút ra là không nên quá tập trung nhập khẩu từ một thị trường.

 

Về lý thuyết, Việt Nam đang thực hiện nội dung cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới. Theo đó, nhiều lợi thế đã được khẳng định trên thực tiễn. Vì vậy, về lâu dài, đây chính là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước tăng cường nhập khẩu, định hướng đa dạng hóa và chủ động về nguồn cung với các nước đã ký FTA. Đó là gợi ý phù hợp vì nhập khẩu nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp diễn trong một số năm tiếp theo do Việt Nam chưa thể tự đáp ứng nguồn nguyên liệu, vật tư cho sản xuất trong một sớm một chiều.

 

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xét về lâu dài, việc các đơn vị đầu tư cho sản xuất nguyên liệu đầu vào để bù cho phần cung thiếu hụt là vô cùng cấp thiết. Mục đích là để ngành may mặc chủ động hơn trước những biến động của thị trường; nhất là trong thời điểm đại dịch gây đứt gãy chuỗi cung ứng như hiện nay.

 

Những vấn đề đặt ra ở trên chính là căn cứ để thúc đẩy hoạt động nhập khẩu ngày càng hợp lý. Thông qua những thay đổi, điều chỉnh về cơ cấu mặt hàng cũng như thị trường nhập khẩu, kết hợp với sự chủ động tăng cường năng lực trong nước, doanh nghiệp nhập khẩu sẽ chủ động tìm được nguồn nguyên liệu, tránh phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống...

 

Theo Hanoimoi.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang