Chủ Nhật, 24/11/2024 04:31:25 GMT+7
Lượt xem: 594

Tin đăng lúc 21-11-2022

Giải bài toán phát triển bền vững cho hàng Việt ở thị trường EU

Hiện nay EU là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu của cả nước (2015 - 2021).
Giải bài toán phát triển bền vững cho hàng Việt ở thị trường EU
Năm 2021 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt hơn 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Sau 2 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), xuất khẩu của Việt Nam sang EU ghi nhận kết quả khả quan. Nhờ tận dụng sự khác biệt trong ngắn hạn, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều lợi thế để đưa hàng hóa tiếp cận được thị trường này, cũng như mở rộng thị trường Nam Mỹ. Đó là nhận định của nhiều doanh nghiệp tại "Hội thảo xuất khẩu vào các thị trường FTA: Giải bài toán phát triển bền vững" do Báo Công thương cùng các đơn vị thuộc Bộ Công thương tổ chức hôm nay (18/11). 

 

Tận dụng hiệu quả sự khác biệt

 

Năm 2021 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt hơn 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt trên 40 tỷ USD, tăng trên 14%; nhập khẩu 16,9 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng kể là 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 52,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD, tăng 23%.

 

Theo bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, mặc dù hai năm qua dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên.

 

Hiện nay EU là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu của cả nước (2015 - 2021). Hiện Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.

 

Dù dư địa thị trường còn tương đối lớn để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh khai thác, nhưng Bà Hiền cũng dự báo, trước bối cảnh tình hình quốc tế như hiện nay, việc tận dụng sự khác biệt chỉ mang tính ngắn hạn, trong những ngày tới hàng hóa Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt, đối diện nhiều khó khăn thách thức...

 

Đặc biệt xu hướng là EU sẽ tăng cường áp dụng hàng rào phi thuế quan, siết chặt các quy định, tiêu chuẩn. Trong khi đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn gặp khó trong việc tiếp cận thị trường EU do chưa hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu cao của EU về tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, các vấn đề môi trường, xã hội, phát triển bền vững…. EU cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định khiến các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều trường hợp không kịp nắm bắt, thích nghi.

 

Bà Nguyễn Thảo Hiền nói: "Trước xu hướng của thị trường đòi hỏi cần phải có tư duy dài hạn. Cánh cửa mà chúng ta có thể nghĩ tới đó là hợp tác và tìm kiếm công nghệ từ thị trường Châu Âu. Ở đây một đối tác rất hiệu quả để doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác, đó là Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). Đây là cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư Châu Âu".

 

Cơ hội nào cho hàng Việt ở EU?

 

Tại hội thảo, một số ý kiến nhận định, những cam kết và quy định tại các FTA, nhất là FTA thế hệ mới tương đối mới và phức tạp nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn lúng túng, chưa tận dụng tối ưu được các ưu đãi.

 

Năm 2022, sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch, khi các nền kinh tế và hoạt động thương mại giữa các nước trên thế giới bình thường trở lại, nhiều nước bắt đầu đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn với hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước cũng như sức khỏe của người tiêu dùng. Do đó các doanh nghiệp đang tiếp tục củng cố các thị trường lớn, ngoài cửa ngõ vào EU như Đức, Hà Lan, Pháp…, hoạt động xuất khẩu đang được đẩy mạnh sang các thị trường ngách, như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu, kể cả tăng cường xuất sang các thị trường Nam Mỹ.

 

Ông Jean- Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, để tăng cường xuất khẩu vào thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý thường xuyên kiểm tra, cập nhật văn bản pháp luật, thông báo về thay đổi quy định của EU. Đặc biệt là các vấn đề kiểm soát, kiểm định các mối nguy mất an toàn thực phẩm; đáp ứng tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu, cụ thể là các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) và rào cản kỹ thuật (TBT) liên quan đến sản phẩm, đáp ứng yêu cầu truy xuất một công đoạn bất kỳ trong quy trình sản xuất- xuất khẩu khi có yêu cầu và các biện pháp tăng cường chống gian lận xuất xứ hàng hóa.

 

Phó chủ tịch EuroCham cho rằng tiêu chuẩn VietGap và một số tiêu chuẩn khác của Việt Nam so với tiêu chuẩn quốc tế còn một khoảng cách rất lớn. Ngoài việc đáp ứng một số tiêu chuẩn mà thị trường ưa chuộng như Global Gap, BAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác, doanh nghiệp Việt Nam cần hướng đến các tiêu chuẩn EU để thiết kế quy trình sản xuất, chế biến, nuôi trồng sản phẩm.

 

Theo ông Jean-Jacques Bouflet, các nhóm hàng hóa có tần suất áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) và rào cản kỹ thuật (TBT) liên quan đến sản phẩm nhiều nhất khi nhập khẩu vào EU là rau quả, thực phẩm chế biến, dệt may, đồ da, hóa chất, giày dép, sản phẩm nhựa… và đây cũng chính là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

 

"Ở đây tôi cũng muốn nhấn mạnh việc minh bạch dấu chân Carbon, tức là lượng phát thải khi sản xuất đối với hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tự trả lời được những câu hỏi ngày càng nhiều từ phía đối tác, khách hàng EU về vấn đề giảm phát thải để tự điều chỉnh. Từ việc minh bạch vấn đề giảm phát thải khi sản xuất hàng hóa Việt Nam sẽ tạo thêm được sự khác biệt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng xanh và sạch hơn", ông Bouflet nói.

 

Theo Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, trong giai đoạn đầu thực thi Hiệp định EVFTA, mặc dù bối cảnh quốc tế không hoàn toàn thuận lợi, song tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được đánh giá khả quan. Ngoài việc đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, để hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng ở thị trường EU, Việt Nam cần duy trì được sự khác biệt về chủng loại, nguồn cung... Đặc biệt nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến năm 2026, toàn bộ nhà nhập khẩu hàng hóa vào EU, hằng năm đều phải khai báo lượng hàng cùng chứng chỉ về Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM) có liên quan./.

 

Theo VOV


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang