Thứ Tư, 04/12/2024 00:18:19 GMT+7
Lượt xem: 1650

Tin đăng lúc 19-07-2020

Giải bài toán tiết kiệm năng lượng tại làng nghề

Việt Nam hiện có trên 5000 làng nghề đang tạo việc làm cho khoảng 12 triệu lao động nông thôn. Nhiều mô hình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và áp dụng sản xuất sạch hơn tại các làng nghề nông thôn đang cho hiệu quả rõ rệt về kinh tế, bên cạnh đó còn giải quyết được những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường làng nghề.
Giải bài toán tiết kiệm năng lượng tại làng nghề
Lò nung gốm bằng gas ở làng gốm sứ Bát Tràng

Thời gian qua, nhiều cơ sở làng nghề đã áp các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, thông qua việc thay thế các trang thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và điện năng bằng những công nghệ tiên tiến, hiện đại, qua đó cho hiệu quả kinh tế - xã hội cao. 

 

Theo các chuyên gia, nếu các làng nghề tiên phong vào cuộc tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng thì lợi ích đem lại rất to lớn: giảm chi phí sản xuất; giảm áp lực cung ứng điện; giảm đầu tư nguồn điện mới.

 

Thời gian qua, ý thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng, nhiều làng nghề tại Việt Nam đã áp dụng các biện pháp giúp tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả. Điển hình có thể kể đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng.

 

Nếu như thời gian trước, Bát Tràng sử dụng lò ếch, lò bát đàn đốt bằng củi, lò bầu đốt bằng than và củi để nung gốm. Thì nay, đã có hơn 90% các hộ sản xuất gốm sứ tại Bát Tràng chuyển sang sử dụng công nghệ lò gas cải tiến đã giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường của công nghệ sản xuất trước kia.

 

Ưu điểm của việc chuyển đổi công nghệ này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, bởi với các loại lò nung bằng than và củi thì phải mất từ 144 - 192 giờ/một mẻ nung, điều này đã tạo ra một lượng chất thải rắn lớn mà chất lượng hàng hoá chỉ đạt 60-65% loại 1. Còn với việc áp dụng lò gas vào sản xuất, thời gian nung sản phẩm chỉ từ 15-20 giờ, kiểm soát nhiệt từ xa, dễ dàng với các sản phẩm có kích thước lớn và nhiều mầu men cần môi trường lửa sạch. Đặc biệt, 85-90% sản phẩm ra lò đạt loại 1.

 

Việc sử dụng lò gas trong nung sản phẩm là bước tiến vượt bậc của Bát Tràng khi không chỉ giúp làng nghề dần thoát khỏi ô nhiễm môi trường mà còn giúp người dân nhận thức được vai trò của khoa học công nghệ, mạnh dạn đổi mới thiết bị sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

 

Bên cạnh các biện pháp giúp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất thì việc ô nhiễm môi trường làng nghề cũng đang khiến các chuyên gia lo ngại. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song, có thể nhận thấy việc tiêu hao năng lượng lớn, sử dụng một cách thô sơ các loại nguyên nhiên liệu là nguyên nhân chủ yếu.

 

Nhận thức được những hạn chế trên, những năm qua, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành khác đã triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng, áp dụng sản xuất sạch hơn giúp khắc phục dần tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Trong đó, Bộ Công Thương phối hợp với các ngành liên quan xây dựng và ban hành các tiêu chí về sử dụng năng lượng hiệu quả trong một số ngành công nghiệp, quy định mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sản xuất sản phẩm.

 

Đặc biệt, thông qua một số chương trình, dự án vay vốn ODA, Bộ đã hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong một số ngành công nghiệp thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, sử dụng năng lượng hiệu quả. Tiêu biểu như dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Trong 5 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ 543 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 5 ngành công nghiệp (sản xuất gạch, gốm sứ, giấy và bột giấy, dệt may và chế biến thực phẩm) thực hiện các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tổng mức năng lượng tiết kiệm được do thực hiện các dự án đạt 232.000 tấn dầu tương đương; tổng lượng phát thải khí nhà kính giảm được 944.000 tấn CO2; giảm trung bình 24,3% chi phí năng lượng trên giá thành sản phẩm.

 

Theo ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp hữu ích giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay. Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề thực hiện lộ trình phát triển bền vững thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

 

Trường An


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang