Thứ Sáu, 22/11/2024 07:02:39 GMT+7
Lượt xem: 6297

Tin đăng lúc 23-11-2019

Giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng sẽ cao hơn

Các chuyên gia của NCIF dự báo, bước vào giai đoạn 2021-2025, cách mạng công nghiệp 4.0 lan rộng và việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam thông qua việc mở rộng xuất khẩu, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ.
Giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng sẽ cao hơn
Cần tập trung tận dụng các FTA để nâng cao năng lực DN trong nước

Tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn còn điểm yếu

 

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã đi gần hết chặng đường với kết quả ấn tượng.Trên nền tảng đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự báo tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt mức 7-7,5%, cao hơn giai đoạn vừa qua.

 

Tuy nhiên, trao đổi tại hội thảo khoa học quốc tế thường niên 2019 với chủ đề“Triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025: Cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, tổ chức ngày 21/11, các chuyên gia của NCIF đánh giá, đây cũng là những kịch bản đầy khó khăn bởi nền kinh tế sẽ đứng trước nhiều ẩn số.

 

Nhìn lại chặng đường phát triển ấn tượng của kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua, TS. Đặng Đức Anh - Phó Giám đốc NCIF phân tích, từ phía cung, khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ là hai khu vực dẫn dắt tăng trưởng chung, bù đắp cho sự giảm sút của khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản. Từ phía cầu, tăng trưởng kinh tế cao nhờ tiêu dùng tăng cao hơn và thặng dư thương mại lớn hơn giai đoạn trước.Không chỉ được hỗ trợ bởi sự gia tăng về quy mô của các yếu tố sản xuất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 còn được thúc đẩy bởi sự cải thiện của năng suất và hiệu quả.

 

Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cốvới lạm phát ở mức thấp (dưới 4%), tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, lãi suất ổn định, tăng trưởng tín dụng và cung tiền được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi cân đối tài khóa cải thiện; tỷ lệ nợ công và nợ Chính phủ giảm nhanh theo chiều hướng vững chắc hơn. Đặc biệt, môi trường kinh doanh có sự cải thiện tích cực, góp phần thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.

 

Tuy nhiên ông Đặng Đức Anh cũng chỉ ra nhiều điểm yếu của nền kinh tế với mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế được đánh giá cao trong giai đoạn 2016-2020 (tỷ lệ tăng GDP trung bình khoảng 6,84%, đạt mục tiêu 6,5-7% đã đề ra), song vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn (tỷ lệ vốn đầu tư/GDP ở mức cao, trung bình 33,5%), đóng góp của nhân tố vốn trong tăng trưởng vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 55%). Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch quá nhanh sang khu vực dịch vụ trong khi nền tảng công nghiệp còn yếu. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đóng góp còn thấp, chi phí dịch vụ logistics còn cao.

 

Trong khi đó, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào nhóm hàng do DN FDI dẫn dắt. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng hàm lượng nội địa trong xuất khẩu không tăng tương ứng. Các DN trong nước, đặc biệt là DNNVV chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năng lực đổi mới sáng tạo chưa được cải thiện nhiều và vẫn là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của Việt Nam khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.

 

Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng FTA

 

Các chuyên gia của NCIF dự báo, bước vào giai đoạn 2021-2025, cách mạng công nghiệp 4.0 lan rộng và việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam thông qua việc mở rộng xuất khẩu, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ. Giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ phụ thuộc vào khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, trong đó quan trọng là hai nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành bán buôn, bán lẻ.

 

Trong bối cảnh đó, NCIF xây dựng 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025. Theo đó, với nhiều khả năng xảy ra hơn, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát ở mức 3,5-4,5%/năm.Với kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam đạt khoảng 7,5%/năm.

 

TS. Đặng Đức Anh phân tích thêm, nhìn chung tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới có xu hướng sụt giảm, song xét ở tầm khu vực thì ASEAN vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm trong thời gian tới. NCIF cho rằng, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ mạnh nhất vào khoảng năm 2021 sau đó giảm dần. Sự chuyển đổi nhanh hơn của mô hình tăng trưởng theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả, với động lực chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định cho nền kinh tế Việt Nam.

 

Tuy nhiên ông cũng đặt ra lo ngại, lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam đang mất dần và mất nhanh so với các nước trong khu vực. Năng suất lao động của Việt Nam chưa cải thiện nhiều cộng với các chi phí khác như logistics cao thì lợi nhuận hoàn lại cho NĐT chưa đủ cạnh tranh với các nước láng giềng.

 

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng xấu đi mà bản thân năng lực cạnh tranh nội tại nền kinh tế không có sự chuyển dịch nhất định thì mức tăng trưởng ở kịch bản cơ sở vẫn là thách thức lớn”, TS. Đặng Đức Anh bình luận.

 

Với kịch bản thứ 2, tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm giai đoạn 2021-2025. NCIF cho rằng, yếu tố then chốt và ảnh hưởng lớn tới chất lượng và tốc độ tăng trưởng là việc bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số trong thời gian tới. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, các tổ chức quốc tế dự báo rằng nếu ứng dụng được công nghệ số, Chính phủ số thì Việt Nam có thể tăng trưởng thêm 0,6 - 1 điểm % so với hiện nay. “Đây là giả định lạc quan vì bối cảnh ứng dụng công nghệ số của Việt Nam được đánh giá là vẫn còn nhiều hạn chế”, ông Đức Anh bình luận.

 

Tuy nhiên TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và DN lưu ý, Việt Nam đã ký kết khá nhiều các FTA, song cũng chính vì vậy đã làm tác động của các hiệp định đến một quốc gia cụ thể bị trung hoà dần. Vì vậy, giai đoạn tới không nên tìm kiếm hay ký kết thêm FTA, mà tập trung vào việc tận dụng các FTA để nâng cao năng lực DN trong nước, cải thiện xuất xứ để phát triển các DN hỗ trợ, thu hút FDI... Vấn đề luật hoá các cam kết cũng cần đẩy nhanh để hoàn thiện thể chế đồng bộ với tiến trình hội nhập.

 

“Với các cam kết trực tiếp thì chúng ta phải sửa đổi không quá nhiều, tuy nhiên tác động gián tiếp tương đối nhiều, liên quan tới các vấn đề như DNNN, đấu thầu trong nước… nếu tiếp tục trì hoãn sẽ làm giảm tốc quá trình cải cách của nền kinh tế Việt Nam”, ông Thắng cảnh báo.

 

Các chuyên gia của NCIF dự báo, bước vào giai đoạn 2021-2025, cách mạng công nghiệp 4.0 lan rộng và việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam thông qua việc mở rộng xuất khẩu, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ. Giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ phụ thuộc vào khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, trong đó quan trọng là hai nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành bán buôn, bán lẻ.

 

Theo Thời Báo Kinh Doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang