Khảo sát nhiều chợ quanh khu vực Hà Nội, từ chợ đầu mối đến các chợ hạng II, III, đơn vị quản lý các chợ đã chú trọng nhiều hơn đến khâu đảm bảo ATTP; Các loại hàng hóa như, rau, thịt, cá,…đã được phân khu, bố trí ngăn nắp hơn; Vệ sinh môi trường cũng được chú ý hơn.
Chợ đầu mối phía Nam Hà Nội tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, là chợ mới, đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm. Giai đoạn này, chợ hoạt động chủ yếu về đêm, hàng hóa chính là các loại rau, củ, quả,…
Đại diện Ban quản lý chợ cho biết, Chợ đầu mối phía Nam được đầu tư xây dựng mới nên cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, ngoài các ki-ốt, có các gian hàng, khu vệ sinh sạch sẽ, khu để rác được bố trí riêng, Công ty còn đầu tư khu xử lý nước thải, đảm bảo nước sau xử lý thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 tiểu thương tham gia buôn bán tại chợ, hàng hóa là các loại nông sản ở các huyện lân cận và một số tỉnh phía Bắc.
Để đảm bảo ATTP, chợ thường xuyên tuyên truyền tới các hộ kinh doanh bằng các hình thức như phát thanh, căng băng rôn tuyên truyền, chấp hành các quy định về ATTP, yêu cầu các hộ ký cam kết; Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương trong các đợt kiểm tra; Ban quản lý chợ yêu cầu và giám sát các hộ kinh doanh đảm bảo giữ vệ sinh môi trường, kịp thời nhắc nhở, thậm chí xử phạt các cá nhân không chấp hành giữ vệ sinh môi trường.
Chợ đầu mối phía Nam, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai
Cùng chung quan điểm, đại diện BQL chợ Phùng Khoang cho biết, chợ là nơi mưu sinh của nhiều người. BQL chợ tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con kinh doanh, đối với các loại thực phẩm như thịt lợn, chúng tôi yêu cầu phải sự kiểm định của cơ quan thú y. BQL tuyên truyền để các hộ kinh doanh, buôn bán sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng đảm bảo, không kinh doanh thực phẩm bẩn.
Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo thực phẩm bày bán tại các chợ, ngoài trách nhiệm của BQL các chợ, sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, trách nhiệm của các tiểu thương giữ vai trò quan trọng. Các tiểu thương là người biết rõ nguồn gốc sản phẩm, nếu vì tham lợi nhuận, nhập hàng hóa kém chất lượng, hàng đông lạnh ôi thiu, hàng trôi nổi,… thì người tiêu dùng không thể lường được.
Thời gian qua, các lực lượng chức năng, trong đó tiêu biểu là công an và quản lý thị trường đã phát hiện nhiều kho hàng, bắt giữ nhiều xe chở thực phẩm đông lạnh như nội tạng động vật, thịt lợn không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, ôi thiu,…, với số lượng lớn. Nếu trót lọt, các loại thực phẩm này sẽ được đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi, trong đó có các chợ,…
Thực tế, không ít đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều sản phẩm kém chất lượng được bày bán công khai tại các chợ. Đơn cử mới đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành hậu kiểm hơn 700 mẫu thực phẩm (khô, tinh bột, sản phẩm từ thủy sản, bánh tráng…) đang được bày bán và lưu hành trên địa bàn Cà Mau (trong đó có cả các chợ), đồng thời lấy mẫu gửi kiểm nghiệm tại Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, có nhiều mẫu thực phẩm không đạt chất lượng, thậm chí “ngậm” chất cấm. Chi cục đã ban hành quyết định xử phạt nhiều hộ kinh doanh,…
Như vậy có thể thấy, để nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo ATTP tại các chợ, trước tiên cần nâng cao ý thức, nhận thức của người bán hàng. Người tiêu dùng nên thận trọng trong các hoạt động mua bán, đồng thời nên báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện các cơ sở kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng ôi thiu, không rõ nguồn gốc.
Đức Hạnh