Ngành công thương Hà Nội đặt mục tiêu, đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị gia tăng của ngành thương mại bình quân đạt 13%/năm. Tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới thương mại - dịch vụ hiện đại chiếm từ 50 đến 55% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội, tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 18 đến 20%. Theo Kế hoạch số 117/KH-UBND về triển khai phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại trên địa bàn thành phố thì Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ phát triển 52 trung tâm mua sắm; 23 đại siêu thị, 111 siêu thị hạng 2, 865 siêu thị hạng 3; 595 chợ, 1.000 cửa hàng tiện lợi; 1.000 máy bán hàng tự động đặt tại các địa điểm công cộng. Dự kiến, đến năm 2025, thành phố sẽ đưa vào khai thác hai trung tâm logistics, hai cảng cạn ICD, một cảng thủy công-ten-nơ quốc tế, năm trung tâm tiếp vận và một số hệ thống kho hàng chuyên dụng.
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, trong khi hiện tại Hà Nội mới có 22 trung tâm thương mại, 124 siêu thị, 454 chợ và khoảng 700 cửa hàng tiện lợi kinh doanh tổng hợp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thành phố cần phải rất nỗ lực. Chưa kể, hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn hiện tồn tại nhiều bất cập, khó khăn. Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND thành phố) Phạm Thị Thanh Mai cho biết, hầu hết các chợ được xây dựng từ nhiều năm trước, hiện đã xuống cấp, không bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ, văn minh thương mại. Nhiều vụ cháy chợ đã xảy ra, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Nhưng công tác thu hút đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ chưa được quan tâm hoặc chưa tìm được sự thống nhất giữa chủ đầu tư và tiểu thương. Hiện nay, nhu cầu về chợ đầu mối rất lớn, nhưng thiếu chợ đầu mối và quy hoạch chưa hợp lý, dẫn đến nhiều chợ hạng 2, hạng 3 đang phải hoạt động như chợ đầu mối, thí dụ như chợ hoa quả Long Biên, chợ đêm Văn Quán, chợ cá Yên Sở..., quy mô hoạt động vượt quá khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất, diện tích. Nhưng trong giai đoạn từ 2012 - 2017, trên địa bàn Hà Nội không có chợ đầu mối nào được đầu tư xây dựng.
Với hệ thống trung tâm thương mại, dù được đầu tư lớn nhưng chỉ có số ít thu hút được khách hàng, phần lớn rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều khách thuê gian hàng phải hoàn trả mặt bằng, để chủ đầu tư tự xoay xở. Nằm trên vị trí có thể nói là đắc địa nhất Thủ đô, nhưng tình hình kinh doanh tại Tràng Tiền Plaza (quận Hoàn Kiếm) không mấy khởi sắc. Nơi đây tập trung các nhãn hàng, thương hiệu xa xỉ, cho nên khách đến chủ yếu để tham quan chứ không mấy ai có nhu cầu mua sắm. Grand Plaza thường xuyên phải tạm đóng cửa vì quá vắng khách. Bảy khu chợ truyền thống của Hà Nội được chuyển đổi sang mô hình chợ kết hợp trung tâm thương mại như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ Bưởi... đều vắng khách.
Các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn hiện nay chủ yếu phục vụ bán lẻ. Thành phố chưa có các trung tâm thương mại quốc tế, các trung tâm bán buôn và trung tâm logistics lớn. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, việc xây dựng hạ tầng thương mại thời gian qua gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực và phương thức điều hành, quản lý chưa hiệu quả. Quỹ đất trong khu vực nội đô hạn hẹp cho nên khó bố trí mặt bằng cho các khu thương mại, dịch vụ. Tại khu vực ngoại thành, nhu cầu và thu nhập của người dân hạn chế cho nên khó phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại. Cùng với vấn đề hạ tầng thì công tác quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thương mại sao cho hiệu quả cũng đang là thách thức lớn đối với các nhà đầu tư và chính quyền.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mỗi mô hình thương mại ra đời cần phải được nghiên cứu kỹ càng về quy hoạch và đánh giá thị trường, đồng thời, chuyên nghiệp hóa quá trình vận hành, phục vụ khách hàng, học hỏi phương thức quản lý hiệu quả của các mô hình đã thành công. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ tăng cường các cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng hệ thống thương mại trong một chiến lược phát triển thương mại tổng thể. Trong đó tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm để khắc phục các khó khăn về vốn, công nghệ, nhân lực... Mới đây, Sở Công thương Hà Nội đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Semmaris (Pháp) về việc khảo sát, nghiên cứu xây dựng chợ đầu mối nông sản quốc tế tại Hà Nội. Theo biên bản này, hai bên sẽ thành lập bộ phận đầu mối để liên lạc, theo dõi, triển khai các hoạt động liên quan việc khảo sát, nghiên cứu tiền khả thi việc xây dựng chợ đầu mối nông sản quốc tế tại Hà Nội để từ đó tiến hành các bước tiếp theo.
UBND thành phố cũng đã giao các sở, ngành rà soát, đánh giá việc khắc phục hạn chế, tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động chợ trên tất cả các mặt, đề ra các giải pháp quyết liệt đẩy mạnh thực hiện những nội dung còn chậm triển khai, chậm chuyển biến, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15-8-2018. Khi khắc phục các khó khăn, bất cập, đẩy mạnh hiện đại hóa hoạt động thương mại, thu hút nguồn lực đầu tư, hệ thống thương mại trên địa bàn Thủ đô sẽ phát triển đồng bộ, từng bước tiếp cận các xu hướng thương mại quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển kinh tế. |
Theo báo Nhân dân