Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Chi cục Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội, lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Bắc Giang, trưởng phòng, ban Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình, Lãnh đạo Cảnh sát biển Việt Nam, trưởng, phó phòng kinh tế các quận, huyện cùng đại diện các làng nghề, các nghệ nhân, chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành khác,…
Đại biểu tham dự Hội thảo
Khai mạc Hội thảo, Ông Trần Sỹ Tiến – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn Thành phố Hà Nội đã báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện các chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề; công tác xây dựng và ban hành cac cơ chế chính sách để triển khai thực hiện bảo tồn, phát triển làng nghề; kết quả phát triển làng nghề, thực trạng, giải pháp chủ yếu phát triển vùng nguyên liệu,…
Theo báo cáo, Hà Nội có 806 làng có nghề. Trong đó, có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, bao gồm: 67 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy, sản; 22 làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ; 16 làng nghề xử lý, chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; 196 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 12 làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; 05 làng nghề làm các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Hiện nay, các làng nghề, làng nghề truyền thống đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương, tạo tiền đề thực hiện thành công Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Toàn cảnh Hội thảo
Báo cáo cũng chỉ rõ những khó khăn mà các làng nghề đang gặp phải, trong đó nguồn nguyên liệu đang là vấn đề cần được quan tâm. Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, Hà Nội đã đưa ra các giải pháp chủ yếu phát triển vùng nguyên liệu. Cụ thể, đối với Hà Nội, cần hoàn thiện các chính sách về đất đai, vùng nguyên liệu như khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cá nhân trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; định hướng phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề; Hỗ trợ phát triển các nguồn nguyên liệu có chứng chỉ bền vững, phù hợp với chuẩn quốc tế và nguồn nguyên liệu thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; Ưu tiên phát triển một số sản phẩm chủ lực như mây tre lá, gốm sứ, thêu dệt, dược liệu tại các địa phương có điều kiện; Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về ngành nghề, làng nghề nông thôn tại các địa phương trên toàn quốc, xây dựng chuỗi liên kết ổn định từ tạo vùng nguyên liệu đến sản xuất và tiêu thụ; đồng thời tạo sự gắn kết, hợp đồng chặt chẽ để vùng nguyên liệu và các cơ sở sản xuất cùng giúp đỡ nhau phát triển; khuyến khích và hỗ trợ cơ chế hợp tác công tư để phát triển vùng nguyên liệu, chế biến và kinh doanh nguyên liệu phục vụ làng nghề,… Đối với các tỉnh có vùng nguyên liệu cần thiết phục hồi rừng đối với diện tích rừng trữ lượng thấp, rừng kém chất lượng,..; Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững, khai thác hiệu quả hợp lý nguồn tài nguyên rừng làm nguyên liệu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước về phát triển nghề Hà Nội để hợp tác cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các làng nghề, tạo chuỗi liên kết phát triển và tiêu thụ sản phẩm,…
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung - Làng nghề mây tre đan Phú Vinh tham gia thảo luận
Tham gia thảo luận, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung - Làng nghề Mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ nhấn mạnh: Nguồn nguyên liệu mây, tre, lá, cỏ đang có ở địa bàn huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thạch Thất,... nhưng số lượng chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu cần sử dụng của thị trường. Thông thường, các doanh nghiệp đã tự tìm những vùng nguyên liệu để tổ chức thu mua, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, xử lý, bảo quản. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin về các vùng nguyên liệu, trữ lượng nguyên liệu, do vậy sản lượng khai thác nguyên liệu chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ đào tạo kỹ thuật, phát triển các đề tài nghiên cứu khoa học để phát triển đa dạng các nguồn nguyên liệu, thay thế một số loại nguyên liệu đã cạn kiệt; Hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện cho người khai thác vùng nguyên liệu đầu tư cơ sở chế biến, triển khai xúc tiến thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; Tổ chức hội thảo để kết nối nhà sản xuất và người cung ứng nguyên liệu, từ đó mở rộng các cơ hội hợp tác, phát huy tối đa tiềm năng của các vùng nguyên liệu, đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Nghệ nhân Nguyễn Đắc Luyện - Làng nghề Khảm, xã Chuyên Mỹ tham gia thảo luận
Nghệ nhân Nguyễn Đắc Luyện - Làng nghề Khảm, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên trình bày: Đối với nghề khảm, có tới trên 90% nguyên liệu nhập khẩu gỗ nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Nam Phi; trai, ốc nhập khẩu từ Trung Quốc, Singapor, Indonexia,.. Do nhập khẩu nên phụ thuộc nhiều yếu tố như: Tỷ giá ngoại tệ, hàng rào thuế quan, các quy định kiểm dịch động vật,.. Làng nghề rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền với những chính sách phù hợp để Chuyên Mỹ có điều kiện phát triển xứng tầm,…
Đại diện một số làng nghề ở huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Phú Xuyên, thành phố Hà Nội cũng đồng quan điểm mong muốn Nhà nước có cơ chế, chính sách quan tâm phát triển vùng nguyên liệu để các làng nghề có nguồn nguyên liệu an toàn, ổn định phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình chia sẻ: Tỉnh Thái Bình có nhiều làng nghề nổi tiếng như làng chạm bạc Đồng Xâm, làng Dệt Phương La, làng Nguyễn làm nghề Bánh Cáy, làng nghề dệt đũi xã Nam Cao,…; có tiềm năng nguồn nguyên liệu muối, gạo, dược liệu..., hy vọng thời gian tới có thể liên kết, hợp tác với các làng nghề tại Hà Nội để gia tăng giá trị sản xuất.
Tham gia thảo luận, Ông Quách Đăng Quý - Chi cục trưởng, Chi cục PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh Bắc Kạn có nhiều tiềm năng về nông, lâm sản. Trong đó các sản phẩm chủ yếu như: Gỗ, quế, hồi, gạo bào thai, miến, bí xanh, nghệ đỏ. Các cơ sở đã chuyển đổi sản xuất theo hướng lấy sản phẩm làm trung tâm, tăng cường kết nối, giao thương, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Thời gian qua, Bắc Kạn cũng đã cung cấp nguyên liệu cho một số cơ sở sản xuất ở Hà Nội, mong muốn thời gian tới sẽ có được những hợp tác nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.
Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội trao đổi với đại diện làng nghề bên thềm Hội thảo
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn thành phố Hà nội ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của việc kết nối vùng nguyên liệu đối với phát triển làng nghề của Hà Nội. Ông cũng chia sẻ, Chi cục sẽ tham mưu lên Sở, Thành phố những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả kết nối vùng nguyên liệu, tạo cơ sở cho các làng nghề phát triển ổn định, bền vững.
MNK