Trong 4 tháng đầu năm 2022, giá hàng hoá dịch vụ tăng không chỉ do giá xăng dầu tăng mà còn nằm ở việc đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hoá, tình hình địa chính trị biến động phức tạp trên thế giới, nhất là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine...
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhấn mạnh, giá xăng dầu là nhân tố chính khiến giá hàng hóa tăng lên thời gian vừa qua. Mọi người đều biết, năng lượng, nhất là xăng dầu là đầu vào quan trọng nhất của sản xuất kinh doanh dịch vụ và tiêu dùng. Nó chiếm tỷ trọng cao trong giá thành vận chuyển chi phí sản xuất hàng hóa và chi phí dịch vụ. Chính vì vậy, những tác động của việc tăng giá xăng dầu làm cho giá hàng hóa, dịch vụ, ăn uống tăng lên là không thể tránh khỏi.
Xăng dầu tăng giá trong lúc doanh nghiệp và người tiêu dùng bị suy giảm vật chất qua hai năm đại dịch. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp sản xuất bán lẻ cố kìm giá bán để thu hút sức mua tiêu dùng, song cũng chỉ là tạm thời bởi tăng giá là xu thế tất yếu trong mấy tháng qua. Nhưng tăng giá ở mức nào là hợp lý thì cần có suy nghĩ đúng đắn, nhân văn và khoa học khi điều hành giá cả những mặt hàng quan trọng là đầu vào của toàn xã hội như xăng dầu, điện, than…
Còn về việc giá xăng ảnh hưởng đến tiêu dùng xã hội thì chúng ta ai cũng rõ. Trước hết là đối với người nông dân, lực lượng quan trọng trong việc sản xuất ra của cải vật chất thiết yếu phục vụ cho xã hội tiêu dùng. Trong lúc giá cả đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và giá xăng dầu tăng lên nhiều lần với biên độ mạnh chưa từng có trong nhiều năm qua thì người nông dân thu nhập vẫn rất thấp bởi những sản vật được bán ra với giá thấp có khi không đủ bù đắp chi phí sản xuất và hầu hết phải thua lỗ, nhiều lúc nhiều năm đã phải giải cứu.
Người công nhân lương bình quân từ 5-6 triệu đồng/tháng phải chịu đựng việc tăng giá hàng hoá ở ngoài thị trường nhiều tháng nay với đa phần mặt hàng và tăng giá với mức độ khá cao, thì mức lương đó chắc chắn không đủ sống. Đối với người hưởng lương hưu, mức lương đa số là thấp, bình quân từ 3-5 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong hai năm 2020 và 2021 không được tăng lương, chỉ tăng trên 7% vào thời điểm tháng 1/2021 thì việc tăng lương này không đủ bù đắp mức trượt giá trong hai năm qua mà họ đã phải chịu đựng. Chính vì vậy, đời sống của các đối tượng kể trên, việc chi tiêu cho bản thân và gia đình gặp rất nhiều khó khăn, họ còn phải tiết kiệm đề phòng những bất trắc xảy ra về mặt sức khoẻ, chi tiêu tăng lên trong việc tiếp tục phòng dịch Covid-19…
Điều cần nói thêm là do tiết kiệm chi tiêu nên dinh dưỡng để tái sản xuất sức lao động, tái sản xuất sức sống bình thường là không đủ. Di chứng về sức khỏe, bệnh tật, nòi giống con cháu sẽ còn kéo dài thời gian nhiều năm nữa nếu mức sống của họ không được cải thiện nhanh. Việc duy trì sức khoẻ để kéo dài năm lao động quả là vấn đề nan giải, nhất là các lao động trực tiếp như công nhân, nông dân...
Về chỉ số CPI của 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù chỉ ở mức tăng 2,1% so với cùng kì năm trước song với tác động của việc tăng giá hàng hóa, xăng dầu, vận chuyển như hiện nay và chưa có khả năng dừng lại trong 8 tháng cuối năm thì việc phấn đấu chỉ tiêu 4% cả năm quả là điều khó khăn.
Một số chuyên gia đã dự báo lạm phát 2022 có thể trên mức 4%. Chúng ta ghi nhận những cố gắng của Chính phủ về việc giảm thuế môi trường 2000 đ/lít từ nay đến cuối năm 2022 và một số chính sách khác nhằm hạn chế biến động không có lợi của lạm phát trong 4 tháng đầu năm, nhưng điều đó là chưa đủ sức để kéo giá xăng dầu cũng như giá các hàng hoá thiết yếu khác đang hình thành một mức cao hơn trên thị trường.
Theo ý kiến của các chuyên gia, chúng ta còn nhiều dư địa để giảm thuế phí xăng dầu, như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt và 2000 đ/lít còn lại của thuế môi trường. Ngoài ra còn quỹ bình ổn giá, lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở của xăng dầu hiện nay đang thực hiện.
Nhiều chuyên gia nhận định, một khi giảm được thuế phí, đưa giá xăng dầu về mức hợp lý khoảng 20000-22000đ/lít, đồng thời cân đối dự trữ xăng dầu một cách hợp lý trong thời gian tới thì sản xuất kinh doanh dịch vụ sẽ phát triển trở lại. Khi đó, doanh thu sẽ tăng lên, nộp ngân sách tăng lên để bù đắp nguồn thu của ngân sách đã chi ra để giảm thuế phí, thậm chí còn thu nhiều hơn so với số tiền mà nhà nước đã tạm thời giảm thuế phí. Sức sống của sản xuất kinh doanh sẽ phát triển mạnh hơn trước, đời sống tiêu dùng của người dân được cải thiện hơn, đỡ khó khăn hơn so với giai đoạn hiện nay.
Làm được những điều trên, cộng với các yếu tố khác như nối lại chuỗi cung ứng sản xuất phân phối hàng hoá, giảm chi phí chính thức và không chính thức cho các doanh nghiệp và khoản hỗ trợ khác cho người dân chắc chắn chúng ta sẽ giải phóng được sức sản xuất, tăng sức mua xã hội, thu ngân sách, cải thiện đời sống người dân nhiều hơn.
Đồng thời, góp phần phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, kiềm chế được lạm phát trong năm ở mức 4% đã đề ra. Chúng ta tin tưởng rằng mặc dù còn nhiều khó khăn song một khi Chính phủ và các Bộ ngành lắng nghe những ý kiến chân thành, trách nhiệm và thẳng thắn của dư luận xã hội và các chuyên gia, đồng thời có những quyết sach kịp thời, hợp lý thì việc kiềm chế lạm phát trong năm nay sẽ thành công, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 2022 và làm tiền đề cho những năm tiếp theo.
Theo Vietq.vn