Chủ Nhật, 24/11/2024 10:19:31 GMT+7
Lượt xem: 726

Tin đăng lúc 18-10-2023

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động HTX nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội

Sáng 16/10/2023, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học kinh tế NN&PTNT Việt Nam tổ chức Hội thảo giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động HTX nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động HTX nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các ông: Hà Công Tuấn - Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế NN&PTNT; Nguyễn Văn Tiến - Nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế NN&PTNT; bà Hà Thúy Hạnh - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Khoa học & Tư vấn phát triển OCOP; các ông: Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Việt Nam; Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội; Nguyễn văn Chí - Phó Chánh thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội, Chi Cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội; lãnh đạo các ban, ngành, các quận, huyện cùng với đại diện hàng trăm HTX trên địa bàn Thủ đô,…

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Chí,  Phó Chánh thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội, Chi Cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội cho biết: Tính đến tháng 8/2023, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.170 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có 682 HTX tổng hợp; 387 HTX trồng trọt; 68 HTX chăn nuôi; 28 HTX nuôi trồng thủy sản; 05 HTX nước sạch. Theo kết quả đánh giá phân loại năm 2022, có 61,02% HTX hoạt động từ khá trở lên, 38,9% HTX hoạt động trung bình, yếu.

 

 

 

Ông Nguyễn Văn Chí -  Phó Chánh thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội, Chi Cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

 

Đến nay, Hà Nội có 132 HTX nông nghiệp với 448 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. 100% HTX có sản phẩm được chứng nhận OCOP đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ, HACCP. Cơ bản các HTX nông nghiệp trên địa bàn Thành phố đã chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong đó có các mô hình HTX tiêu biểu như: HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn kết, huyện Ứng Hòa; HTX Sản xuất & Tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, huyện Đan Phượng; HTX Sản xuất & Tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng, huyện Đông Anh; HXT Thủy sản công nghệ cao Đại Áng, huyện Thanh Trì; HTX Rau hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ; HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; HTX Kinh doanh thương mại tổng hợp Dương Liễu, huyện Hoài Đức; HTX Sản xuất & Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, huyện Gia Lâm,…

 

Tuy nhiên, việc phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn như: Năng lực trình độ lãnh đạo HTX qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu bằng kinh nghiệm; vốn điều lệ của các HTX nông nghiệp, vốn sản xuất kinh doanh còn hạn chế; số lượng HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chưa phát triển nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn; sản phẩm chủ yếu của các HTX nông nghiệp là sản phẩm thô chưa qua chế biến,…Đối với việc phát triển sản phẩm OCOP trong HTX nông nghiệp cũng còn nhiều khó khăn vướng mắc, trong đó nổi lên là các chủ thể tham gia OCOP có quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, sức cạnh tranh chưa cao, sản xuất chưa theo hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu của thị truờng.

 

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời, hỗ trợ các HTX nông nghiệp trên địa bàn Thành phố phát triển, ông Nguyễn Văn Chí cũng chỉ ra một số nhiệm vụ, giải pháp như; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX, trong đó tập trung xây dựng và tuyên truyền về các mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu, hiệu quả gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững; đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX như: Hỗ trợ mô hình khuyến nông đối với HTX nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ; hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Kế hoạch số 2085/QĐ-UBND ngày 11/5/2021 của UBND Thành phố về ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021 – 2025…; căn cứ vào hiệu quả hoạt động của HTX để có hướng và hình thức hỗ trợ phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện pháp luật của HTX nhằm phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các HTX,…

 

Để phát triển sản phẩm OCOP trong HTX nông nghiệp, cần thực hiện 08 giải pháp, ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh, cần triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ các HTX nông nghiệp gắn với chính sách phát triển sản phẩm OCOP để nâng cao hiệu quả hoạt động HTX nông nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường trong nước và xuất khẩu, đẩy mạnh liên kết giữa các HTX hướng tới thành lập Liên hiệp HTX, liên kết HTX với doanh nghiệp để tăng quy mô sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa đủ lớn, chất lượng cao phục vụ cho tiêu dùng thủ đô và xuất khẩu; tăng cường xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sản thương mại điện tử,…

 

Sau phát biểu của ông Nguyễn Văn Chí, Hội thảo đã lắng nghe các ý kiến tham luận, trao đổi của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện của các HTX như: Chuyên đề về những điểm mới của Luật HTX 2023 và giải pháp chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP; Giải pháp phát triển liên kết chuỗi giá trị gắn với sản xuất sản phẩm OCOP và vai trò HTX trên địa bàn thành phố; Nâng cao nhận thức cho HTX trong phát triển nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ,..

 

 

Ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội phát biểu kết luận Hội thảo

 

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhận định, qua các nội dung chương trình Hội thảo; đã cho thấy rõ về bản chất HTX nông nghiệp; sự cần thiết và vai trò, vị trí các HTX nông nghiệp trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là với 3 giải pháp chuyên sâu của các chuyên gia trình bày tại Hội thảo góp phần thiết thực để nâng cao hiệu quả hoạt động HTX nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 

Thời gian tới, đề nghị Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, Chi cục Phát triển nông thôn chủ động, chủ trì mời các đơn vị liên quan tổ chức chương trình làm việc cụ thể để phối hợp thống nhất giải pháp phối hợp nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP cho các HTX nông nghiệp (như Trung tâm Khoa học và Tư vấn phát triển OCOP; Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp và PTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp và các đơn vị liên quan; các đơn vị Xúc tiến thương mại trên địa bàn Thành phố).

 

UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT và Văn phòng Điều phối xây dựng NTM; các Phòng Kinh tế phối hợp Chi cục Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan triển khai các kế hoạch phát triển HTX nông nghiệp, sản phẩm OCOP theo định kỳ hàng năm và các nhiệm vụ triển khai theo yêu cầu,..

 

Các HTX nông nghiệp có sản phẩm OCOP chủ động nâng cao năng lực quản trị; chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm; chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn (VietGAP, Hữu cơ, GlobGap,…) gắn với truy suất quy trình sản xuất; ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái; mở rộng tìm kiếm thị trường và liên kết tiêu thụ để sản xuất theo kế hoạch và đơn đặt hàng,...

 

MN

 

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang