Thứ Tư, 27/11/2024 05:20:54 GMT+7
Lượt xem: 1407

Tin đăng lúc 25-03-2020

Giải pháp nào giúp giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật cho DN?

Báo cáo của VCCI cho thấy vấn đề thủ tục, giấy tờ phức tạp vẫn là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp (DN) gặp phải khi chỉ 56,9% các DN có nhận định rằng, thủ tục giấy tờ là đơn giản. Bên cạnh đó, việc phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính cũng là vấn đề đáng quan ngại đối với các DN, 57,5% DN cho biết họ không phải đi lại nhiều lần, như vậy chi phí tuân thủ pháp luật vẫn là khoản chi phí làm gia tăng áp lực lên DN. Vậy giải pháp nào giúp giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật cho DN?
Giải pháp nào giúp giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật cho DN?
Năm 2019, Việt Nam tăng 17 bậc về chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật trên toàn cầu so với năm 2018 và đứng vị trí thứ 7 trong các nước ASEAN

Chỉ số tuân thủ pháp luật gọi tắt là chỉ số B1, được hiểu là các chi phí mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật. Chi phí tuân thủ pháp luật bao gồm: Chi phí hành chính; Chi phí đầu tư để tuân thủ quy định; Các khoản phí, lệ phí; Chi phí rủi ro pháp lý (nếu có) và Chi phí không chính thức.

 

Đây là một trong những chỉ số quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh vì nếu gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật mà các DN phải gánh chịu lớn do quy định pháp luật phức tạp sẽ khiến cho các DN phải chịu thêm nhiều chi phí khác như chi phí cơ hội, chi phí không chính thức. Điều này gây tốn kém cho các DN, cản trở DN đầu tư, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội chung của đất nước.

 

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới, theo báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2019 chỉ số tuân thủ pháp luật của DN đã có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2018. Theo đó, điểm số và vị trí xếp hạng của Việt Nam về chỉ số B1 được nâng lên 17 bậc so với năm 2018, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP là năm 2019 tăng ít nhất 2 bậc đối với chỉ số này.

 

Các loại giấy phép con vẫn còn “hành” doanh nghiệp

 

Lấy ví dụ tại một công ty chuyên sản xuất thuốc thú y, tại đây sản phẩm thuốc thú y được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế GMP, xong hiện tại phải thêm công bố hợp quy sản phẩm theo tiêu chuẩn cách đây 15 năm đã khiến cho hơn 9.000 sản phẩm thuốc thú ý, 400 sản phẩm vacxin phải tiến hành kiểm nghiệm lại và in lại bao bì nhãn mác. Chỉ một quy định như vậy đã khiến cho DN bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cùng rất nhiều phiền phức.

 

Rõ ràng, nhiều quy định, quy chuẩn có dáng dấp giấy phép con đã khiến DN phải mất thêm nhiều chi phí không cần thiết, không những không giúp gia tăng chất lượng sản phẩm mà còn làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

Theo thống kê từ VCCI, hiện vẫn còn tới 48% DN phải xin giấy phép con, nếu nhân với 714.000 DN đang hoạt động hiện nay thì có tới gần 350.000 DN vẫn phải xin một loại giấy phép con đó, tức là số DN này phải mất thêm một khoản chi phí và càng làm gia tăng áp lực lên DN.

 

Ông Phạm Tiến Dũng – chuyên gia nghiên cứu chính sách Công ty Economica Việt Nam cho rằng, nếu điều kiện kinh doanh của chúng ta còn rườm rà, không cần thiết thì sẽ tạo ra một rào cản đối với DN. Theo lý thuyết kinh tế, khi đặt ra rào cản không cần thiết thì vô tình Nhà nước trở thành một áp lực cạnh tranh đối với DN, như vậy sẽ giảm sức cạnh tranh lên họ và sẽ đi ngược lại định hướng trở thành nhà nước kiến tạo đối với môi trường kinh doanh.

 

Kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do VCCI công bố, có đến 66% trong tổng số 10.000 DN được khảo sát bày tỏ quan ngại về các khoản chi phí không chính thức và tới 54% DN thừa nhận phải trả loại phí này. Như vậy, nếu không có những giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa để cải thiện chỉ số B1 thì chi phí tuân thủ pháp luật vẫn là thách thức lớn đối với rất nhiều DN.

 

 

Ảnh minh họa

 

Giải pháp nào giúp giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật cho DN?

 

Thấy rằng chỉ số B1 là một trong mười chỉ số góp phần quan trọng trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam (GCI 4.0) đã được Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 02/NQ-CP cùng với các chỉ số khác như chỉ số kiểm soát tham nhũng; chỉ số chất lượng quản lý hành chính đất đai; nhóm chỉ số hạ tầng. Việc nâng xếp hạng chỉ số B1 nhằm cắt giảm triệt để các chi phí không hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, qua đó, giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp, góp phần cải thiện chỉ số B1, cải thiện năng lực cạnh tranh theo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0) và nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh.

 

Thời gian qua, Bộ Tư pháp được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì để cải thiện nâng xếp hạng chỉ số B1. Bộ đã cùng các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ như ban hành tài liệu hướng dẫn về chỉ số B1; Tổ chức Hội nghị về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Đồng thời kết nối với tổ chức quốc tế có liên quan như kết nối với WEF có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ để trao đổi về một số nội dung mà Bộ Tư pháp quan tâm về chỉ số B1…

 

Theo bà Nguyễn Thị Minh Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết: Để giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp, bảo đảm đạt được mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số B1 của Việt Nam, Bộ Tư pháp sẽ triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Thực hiện rà soát, đánh giá các quy định pháp luật liên quan đến chi phí tuân thủ pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ, ngành và địa phương; tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trực tiếp liên quan đến cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong thực thi công vụ, xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thi hành pháp luật; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật.

 

Để có thể thực thi tốt và hỗ trợ DN đúng theo mong mỏi của họ, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành rà soát và hoàn thiện tài liệu mà chúng tôi đã hướng dẫn liên quan đến chỉ số B1 cho các bộ ngành địa phương nếu cần thiết. Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kiểm tra, theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện liên quan đến việc cải thiện điểm số và vị trí xếp thứ hạng của chỉ số B1. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kết nối với các tổ chức quốc tế mà ở đây là Diễn đàn kinh tế thế giới để cập nhật, cung cấp các thông tin cần thiết để đảm bảo việc đánh giá, xếp hạng khách quan” – bà Phương cho biết thêm.

 

Nguyễn Hoa


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang