Đi tìm nguyên nhân
Theo số liệu từ cơ quan chức năng, chỉ tính đến hết tháng 6/2019, trên phạm vi cả nước có 89 dự án điện gió và mặt trời, với tổng công suất đặt 4.543,8 MW, chiếm hơn 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Riêng hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời với tổng công suất đặt khoảng 2.027 MW, dự kiến đến hết năm 2020, công suất này tăng lên 4.240 MW. Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm đối phó với những thách thức về nhu cầu năng lượng đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng báo động đó là tình trạng thiếu đồng bộ giữa quy hoạch phát triển điện mặt trời (ĐMT) với các lĩnh vực hạ tầng lưới điện đã làm ảnh hưởng trực tiếp (quá tải từ 260 – 360%) tại các tuyến đường dây 110 kV Tháp Chàm – Hậu Sanh – Tuy Phong – Phan Rí. Kéo theo đó là các nhà máy ĐMT thường xuyên phải cắt giảm từ 30 – 60% công suất. Ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo quy hoạch tới năm 2020, Ninh Thuận được duyệt 2.000 MW dự án năng lượng tái tạo, trong đó có ĐMT, nhưng thiết kế lưới truyền tải khu vực này chỉ chịu được tối đa công suất 800 - 1.000 MW. Tới cuối tháng 6/2019, tổng công suất các dự án năng lượng tái tạo của tỉnh này được đấu nối là 1.300 MW, trong đó gần 1.090 MW là ĐMT. Trong khi đó, đến năm 2020, sẽ còn có hàng chục dự án ĐMT và điện gió sẽ được đưa vào vận hành, sẽ là bài toán nan giải đối với các nhà đầu tư và cả với ngành Điện. Vì vậy, nếu Chính phủ không có các giải pháp căn cơ thì sẽ làm khó cho các nhà đầu tư.
Mặt bằng trạm 220 kV Phan Rí còn ngổn ngang
Lưới điện có phát triển đồng bộ?
Mới đây, trong chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam để tìm hiểu về tình hình lưới điện, chúng tôi đã có dịp đến một số địa bàn – nơi sẽ được đầu tư xây dựng các trạm biến áp để đón điện từ các dự án ĐMT thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận… thì thấy rằng, việc phát triển lưới điện truyền tải khu vực các tỉnh phía Nam được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư khá đồng bộ. Từ năm 2017 – 2019, với sự chỉ đạo của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Nam - SPMB đã thực hiện đầu tư tổng cộng 288 dự án (gồm: 89 công trình 500 kV, 199 công trình 220 kV). Trong đó, năm 2017 có 27 công trình 500 kV và 46 công trình 220 kV); năm 2018 xây dựng 30 công trình 500 kV và 67 công trình 220 kV); năm 2019 thực hiện 32 công trình 500 kV và 86 công trình 220 kV. Riêng năm 2019, SPMB thi công 13 công trình, gồm 09 công trình 500 kV và 04 công trình 220 kV, với tổng chiều dài 1.395 km, tổng công suất 5.625 MVA và từ đầu năm đến nay đã đóng điện 06 công trình, dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn thành 07 công trình còn lại. Trong đó, có nhiều công trình 220 kV trực tiếp đón điện từ các dự án ĐMT như dự án trạm biến áp 220/110/22 kV Cam Ranh và đấu nối; trạm biến áp 220/110/22 kV Phan Rí và đấu nối, nhằm phục vụ cung cấp điện trực tiếp cho các địa phương thuộc tỉnh Khánh Hòa và huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Như vậy có thể thấy, từ nhiều năm qua, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh phía Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hết sức chủ động, đi trước một bước, không chỉ đầu tư hệ thống lưới điện 220 kV, mà xa hơn còn tính tới cả việc hòa ĐMT lên lưới 500 kV. Tuy nhiên, việc các dự án ĐMT phát triển ồ ạt tại khu vực này không theo một quy hoạch nào đã và đang gây khó khăn cho các đơn vị ngành Điện, bởi chỉ cần thời gian 6 tháng một dự án ĐMT có thể đưa vào sử dụng nhưng muốn có một đường dây, hay trạm biến áp 220 kV trở lên hoàn thành đón điện từ ĐMT phải mất từ 2 – 3 năm.
Nhà máy điện mặt trời ở Bình Thuận
Khó khăn chồng chất khó khăn
Trao đổi với lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia xung quanh vấn đề phát triển lưới điện liên quan đến các dự án ĐMT tại các tỉnh phía Nam, ông Bùi Văn Kiên – Phó Tổng giám đốc EVNNPT cho biết: Vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo thường đền bù giá đất cho người dân khá cao, trong khi EVNNPT là một doanh nghiệp nhà nước nên việc bồi thường, giải phóng mặt bằng phải thực hiện theo chính sách của Nhà nước nên giá sẽ thấp hơn so với giá thị trường nên chưa nhận được sự đồng thuận từ người dân. Đặc biệt, quy trình bồi thường từ khi triển khai các thủ tục đầu tiên cho đến khi bồi thường xong thì phải mất 09 tháng.
Qua tìm hiểu được biết, có 02 Dự án: Trạm biến áp 220 kV Phan Rí và đấu nối trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được xây dựng nhằm truyền tải công suất Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, đồng thời, truyền tải công suất ĐMT từ trạm này cung cấp nguồn điện ổn định trên địa bàn huyện Tuy Phong, dự kiến hoàn thành vào quý I/2020 và dự án trạm biến áp 220 kV Cam Ranh có đấu nối, dự kiến khởi công cuối năm 2019 và hoàn thành quý IV/2020 phục vụ cung cấp điện cho tỉnh Khánh Hòa đều đang gặp trở ngại do công tác giải phóng đền bù từ các hộ dân. Tại các dự án này, đa số các hộ dân đã nhận tiền đền bù theo phương án bồi thường của chính quyền địa phương, nhưng vẫn còn hàng chục hộ dân chưa đồng ý nhận tiền do kiến nghị đơn giá đền bù thấp, thậm chí có hộ dân đã được các cơ quan chức năng mời tới 03 lần lên nhận tiền nhưng họ vẫn không chấp thuận theo phương án đã được các cấp phê duyệt. Nhiều địa phương còn gây khó cho đơn vị thi công như rào đường không cho các phương tiện vận chuyển vào vị trí thi công, hoặc thu phí quá cao, cá biệt có nơi người dân khi biết công trình đang được giải tỏa, còn tự ý xây nhà trái phép, trồng cây trên mặt bằng dự án, tưới cho cây chết để bắt ngành Điện bồi thường với giá cao.
Cần những giải pháp để tháo gỡ
Theo Phó Tổng Giám đốc EVNNPT Bùi Văn Kiên, thì hiện nay, các đơn vị thuộc EVNNPT đã phân công Phó giám đốc các Ban Quản lý dự án và các cán bộ của các phòng liên quan bám sát địa phương để thúc đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng đang tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan để cùng với chính quyền các địa phương phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền tới người dân về các chính sách liên quan đến thu hồi đất đai. Đồng thời, chuẩn bị tốt các phương án uy động nguồn vốn phục vụ dự án. Khi địa phương và người dân có diện tích đất bị thu hồi để xây dựng dự án mà đồng thuận với phương án bồi thường thì ngay lập tức sẽ chi trả số tiền bồi thường…
Từ thực tiễn quá trình đầu tư xây dựng các dự án điện đã xuất hiện nhiều bất cập mà các đơn vị ngành Điện đề xuất: Thứ nhất, kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ xem xét, nghiên cứu điều chỉnh các vấn đề liên quan tới chính sách đền bù với đặc thù đường dây truyền tải điện. Bởi, công trình đường dây được xây dựng dưới dạng tuyến nên cần phải có những cơ chế riêng. Ví dụ, đối với một số đường dây truyền tải điện lớn thì khi có thiết kế tuyến đường giao thông kết hợp với đường dây truyền tải điện ở khoảng giữa hai làn đường. Thứ hai, bên cạnh việc thu hồi phần đất làm vị trí móng cột thì cũng cần thu hồi cả phần đất nằm trong an toàn hành lang tuyến. Thứ ba là về đơn giá, Nhà nước cũng cần phải xác định đơn giá sao cho phù hợp và sát với giá cả của thị trường (giá cả về đất đai, giá cả về cây trồng…), nhằm tạo được sự đồng thuận cho người dân khi phải giải tỏa phần đất cho xây dựng đường dây truyền tải điện.
Mai Hương