Thách thức cho xuất khẩu trong quý cao điểm
"Đây là yếu tố cho thấy triển vọng tăng trưởng cho xuất khẩu vào quý III - quý cao điểm về hoạt động xuất khẩu là không quá tích cực. Tiêu dùng trong nước hạn chế cũng khiến cho nhập khẩu hàng tiêu dùng giảm 12,7% so với cùng kì năm ngoái" - chuyên gia từ Chứng khoán SSI cho hay.
Theo chuyên gia của World Bank, giá cả hàng hóa toàn cầu có thể giảm 21% trong năm 2023 so với năm ngoái và sẽ tiếp tục đi ngang trong năm 2024. Diễn biến này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng tăng trưởng của xấp xỉ 2/3 các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa.
"Với nhu cầu bên ngoài yếu hơn, đóng góp của xuất khẩu ròng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Cụ thể, tăng trưởng yếu hơn dự kiến tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam - Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu - có thể ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu" - chuyên gia đưa ra dự báo với Việt Nam.
Như vậy có thể thấy, thách thức đặt ra phía trước rất lớn bởi Việt Nam là một nền kinh tế mở. Nếu không có giải pháp kịp thời để tháo gỡ những khó khăn, tạo động lực cho lĩnh vực này thì khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm nay và cho cả chu kì 5 năm, 10 năm tiếp theo.
Cần thêm giải pháp về tài chính
Các chuyên gia cho rằng, để vượt qua những khó khăn phía trước, bản thân phía doanh nghiệp xuất khẩu cần đa dạng hoá thị trường như: Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ Latinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN). Đặc biệt, quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia)...
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - cho biết: "Chúng ta cần tận dụng lợi thế ưu đãi của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến rất quan trọng. Cùng các bộ, ngành tháo gỡ hàng rào kĩ thuật, phổ biến thông tin về những biện pháp mới mà các thị trường nhập khẩu đưa ra".
Chuyên gia từ Ngân hàng Standard Chartered nhấn mạnh cần tăng tỉ lệ tiếp cận tài chính của doanh nghiệp, từ đó hướng tới sử dụng tín dụng hiệu quả, tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
"Những vấn đề này cần sự vào cuộc của tất cả các bên. Trong đó, các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thông tin thị trường, kết nối doanh nghiệp, sửa đổi và bổ sung các quy định hiện hành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động… Các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng phải thiết kế những gói sản phẩm được “may đo” phù hợp với loại hình, lĩnh vực của các doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ chế hợp lí để doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng" - chuyên gia nêu rõ.
Theo Lao động