Có lẽ cũng đã vài năm giờ mới gặp lại, nên câu chuyện giữa chúng tôi với ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 dường như không dứt. Sau vài câu chuyện mở đầu tưởng chỉ xoay quanh công việc chính là công tác khuyến công, nhưng càng tiếp xúc, tôi có cảm giác như trong ông đầy ắp một kho tàng kiến thức rộng lớn về các lĩnh vực xã hội, về chính sách và cuộc sống...
Khi đề cập đến thời gian gần đây, một số Trung tâm Khuyến công (TTKC) ở địa phương có vẻ không “mặn mà” với các đề án hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp nông thôn, phải chăng các TTKC đã thay đổi cách tiếp cận khác để hoạt động hiệu quả hơn? Giám đốc Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, điều này, phụ thuộc vào từng địa phương, hoàn cảnh của từng giai đoạn cụ thể, để mỗi đơn vị xây dựng cho mình kế hoạch nội dung hoạt động phù hợp. Cái khác là các TTKC cũng đã đã đổi mới cách tiếp cận cơ sở để mở rộng quy mô, tìm kiếm công việc sao cho sát với thực tế hơn. Các TTKC đã triển khai tổ chức hội thảo về năng suất chất lượng, giúp cho doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đổi mới phương thức quản lý, sản xuất; tổ chức Hội thảo, tọa đàm về các lĩnh vực; hỗ trợ pháp lý cho DN triển khai Hệ thống quản lý chất lượng ISO; tập huấn chương trình 5S; đào tạo các khóa cho lao động nông thôn về cơ khí nông nghiệp, máy may, tiết kiệm năng lượng, hoặc giúp DN tìm mặt bằng; cách làm thủ tục, hồ sơ khởi nghiệp nhanh nhất; chắp mối cho DN tiếp cận với các ngân hàng…, tạo mối liên hệ chặt chẽ, tương tác thường xuyên.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1
Ông Thắng cũng cho biết, các TTKC giờ đã biết cách tổ chức lựa chọn, quy tụ và là cầu nối để DN tiếp cận với các nhà khoa học, quản lý, các chuyên gia tư vấn…. Cái được lớn nhất là nhờ đội ngũ chuyên gia này, các DN sẽ phải rà soát lại xem cơ sở mình còn khiếm khuyết gì để hoàn thiện. Nhiều cơ quan, DN đã được hưởng lợi từ sự tư vấn đó để có sự điều chỉnh chiến lược SXKD, kế hoạch đầu tư thiết bị công nghệ phục vụ cho mục tiêu trước mắt và lâu dài…
Nhân chuyện, tôi hỏi Giám đốc Nguyễn Toàn Thắng: Có DN vừa và nhỏ ở địa phương phàn nàn về việc tiếp cận với nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công rất khó khăn, vì sao vậy? Ông bảo, không thể trông chờ hoàn toàn vào Nhà nước, bởi kinh phí hỗ trợ chỉ là “cú hích” định hướng, giúp DN tạo ra tư duy mới, cách làm mới thôi, còn cái chính vẫn là cơ sở sản xuất. Vấn đề tiếp cận với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước hay địa phương cũng không phải là điều gì khó khăn, mà quan trọng là cả hai phía Khuyến công và DN phải đồng hành, chia sẻ. Họ có thể tranh thủ vai trò tư vấn của các Sở Công Thương, các TTKC để phối hợp tổ chức các sự kiện; tham gia các đoàn khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, qua đó ký kết hợp tác đầu tư liên kết, liên doanh mua sắm dây chuyền sản xuất, chuyển giao công nghệ với các đối tác trong nước và nước ngoài. Vấn đề là từ hai phía phải bắt tay cùng làm mới đem lại thành công.
Từ câu chuyện khuyến công, chúng tôi lại chuyển sang một đề tài khác đó là làm thế nào để phát triển mạnh kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 10 của Trung ương? Nhấp một ngụm trà, Giám đốc Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, chúng ta phải xác định, kinh tế tư nhân là đối tượng cần được quan tâm nhiều hơn nữa, vì ở đấy mới tạo ra sự khác biệt. Khác biệt ở đây về nội tại của nền kinh tế, là sức mạnh tiềm năng của mình. Thực tế chúng ta đang quan tâm nhiều về FDI và trong thời gian tới, cần phải kiểm đếm xem chúng ta được gì ở đó. Còn kinh tế tư nhân, nhất là DN nhỏ và vừa, khi họ mạnh lên về quản trị, công nghệ, về nguồn vốn, họ sẽ liên kết lại để có sức mạnh thị trường. Chúng ta bàn rất nhiều về việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng thử hỏi xem hàng năm tiêu thụ hàng ngoại là bao nhiêu, tại sao mình chỉ nghĩ đến xuất khẩu mà không phải là tiêu thụ ngay trên sân nhà. DN tư nhân nói chung, DN vừa và nhỏ nói riêng rất cần quan tâm, phải chăm lo đến họ, vì họ tạo ra sự phát triển bền vững; tạo thuế giúp thu ngân sách; tăng các giá trị sản xuất thực tế. Họ tận dụng tài nguyên quý giá là con người Việt Nam, thì tại sao lúc nào chúng ta cũng nghĩ đến xuất khẩu lao động ra nước ngoài mà không phải xuất khẩu lao động ngay trong nội địa từ vùng A đến vùng B khi nhu cầu lao động đáp ứng chuyên nghiệp. Kinh tế tư nhân cần sự chia sẻ, sự tương tác, trong đó vai trò của các hiệp hội hiện nay hoạt động chưa hiệu quả.
Thời gian gần đây, báo chí thường hay nhắc đến cụm từ “hình thành chuỗi giá trị sản phẩm” từ các DN trong nước, ông Thắng cho rằng, việc tổ chức sản xuất ở các nước họ đã hình thành chuỗi sản xuất từ rất lâu rồi. Họ chuyên nghiệp hóa từng chi tiết của một sản phẩm và khả năng phối hợp rất tốt. Điều đó nó giải quyết được câu chuyện suất đầu tư. Nếu một cụm công nghiệp nào đấy mà mỗi DN sản xuất chuyên biệt một sản phẩm nào đó thì DN đơn lẻ chỉ cần đầu tư một loại thiết bị để sản xuất thôi. Trong cái chuỗi đấy hình thành các doanh nghiệp hạt nhân liên kết với nhau, tạo nên sức mạnh là suất đầu tư, tính chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp, tận dụng được máy móc tiên tiến nhất có thể và sẽ không bị lạc hậu. Nếu một DN nhỏ và vừa sản xuất ra một sản phẩm từ đầu đến cuối thì họ sẽ liên tục bị lạc hậu vì không thể đủ nguồn lực về tài chính, quản trị, công nghệ, thị trường, mặt bằng để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh khi mà cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi hàng ngày. Đối với Việt Nam cái khó là ai sẽ làm việc đó. Tôi thiết nghĩ là vai trò của từng Hiệp hội hay cơ quan Nhà nước cấp vi mô, cấp xã, huyện có thể tư vấn giúp họ.
Vấn đề ở đây là lòng tin của các doanh nghiệp với nhau. Chúng ta chưa tạo được lòng tin đó để có một sản phẩm chung, một tài nguyên chung, mặt bằng chung và nguồn vốn chung. Phải có những người chấp nhận thiệt thòi đi tiên phong để tạo niềm tin. Ví dụ, cả cụm công nghiệp ở Quảng Châu (Trung Quốc) chỉ sản xuất một cái áo, mỗi xưởng chỉ có một máy mang tính công nghệ cao, công nhân có tính chuyên nghiệp, tăng năng suất, khi ra lợi nhuận chia đều. Trong khi đó Việt Nam không thể làm như vậy. Bài toán sản phẩm dùng chung, tài nguyên con người, vốn chung… nhưng ai sẽ là người cầm trịch nếu không phải là các nhà quản lý nhà nước? Thông qua các hội thảo, chúng ta sẽ biết được tâm tư, nguyện vọng của DN. Nếu giải quyết được câu chuyện lòng tin thì họ có thể bắt tay nhau hợp tác. Muốn có lòng tin về vốn thì phải minh bạch. Tất nhiên, thị trường là cạnh tranh, nhưng cạnh tranh từng nhóm với nhau được, chứ không phải cạnh tranh trong nội tại từ DN, đấy là tự tiêu diệt nhau. Lòng tin về quản trị, mô hình quản trị DN với quy mô lao động thì cái gì là tối ưu. Bên cạnh đó, vấn đề về thuế và các nội dung khác thì cơ quan nhà nước cũng phải làm gì để đồng hành cùng họ…
Một giờ với Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 Nguyễn Toàn Thắng qua nhanh. Đã đến giờ họp giữa chiều của Trung tâm, nên dù có muốn mạn đàm thêm thì chúng tôi vẫn phải chia tay. Rất cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị này và mong một ngày nào đó sẽ trở lại.
Nguyễn Văn