Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 10 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,39 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, theo đánh giá, thành tích trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của ngành xuất khẩu cá tra, thậm chí xuất khẩu cá tra hiện nay còn khá bấp bênh, giá quá thấp…
Một trong những nguyên nhân khiến giá cá tra thấp là do các DN tự hạ giá. Như đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU), theo thống kê, ba năm liên tiếp trở lại đây, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường EU chững hoặc giảm sút.
Liên tiếp giảm giá
Tính đến nửa đầu tháng 10/2016, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 207,2 triệu USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang ba thị trường đơn lẻ lớn nhất là Hà Lan, Anh và Tây Ban Nha đều giảm lần lượt 10,2%; 0,2% và 14,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Nhìn tổng thể, xuất khẩu cá tra sang hầu hết các thị trường EU đều chưa khả quan hoặc giảm sút. Dự báo, năm 2016, nhập khẩu cá tra tại EU giảm từ 10-15% so với 2015.
Giá cá tra nhập khẩu trung bình tại EU hiện nay giảm xuống mức từ 2,05-2,1 USD/kg. Điều này cho thấy giá nhập khẩu giảm đã không tạo được lực đẩy xuất khẩu cho thị trường này, thậm chí còn giảm sút.
Bình luận về vấn đề này, Ts. Siegfried Bank, chuyên gia tư vấn chính sách đến từ Đức, cho biết thị trường EU chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu cá tra. Có thể nói EU không ảnh hưởng lớn về mặt thị trường nhưng những chính sách của EU có thể tác động đến nhiều thị trường, bởi các thị trường thường tham khảo các quy định của EU để quyết định việc nhập khẩu cá tra.
Thời gian gần đây, cá tra Việt Nam vào thị trường EU bị cạnh tranh mạnh bởi các loại cá thịt trắng khác. Thị trường sản xuất cá trắng ổn định hơn, giá rẻ hơn cá tra, khiến cá tra Việt Nam vào thị trường EU bị ép giá.
Do bị ép giá, một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh bằng cách tăng thêm nước vào sản phẩm nhưng không khai báo, tỷ lệ mạ băng thấp hơn so với khai báo rồi hạ giá sản phẩm.
Về vấn đề này, Ts. Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, chỉ ra là do phát triển quá nóng, cung lớn hơn cầu nên các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đã đua nhau hạ giá bán. Giá cá từ 5-6USD/kg xuống đến 1,5-2USD/kg (sản phẩm đông lạnh nguyên con).
Giá xuất khẩu cá tra liên tục giảm, cụ thể năm 2002, giá xuất khẩu trung bình 3,11 USD/kg nhưng sau đó giảm, thậm chí năm nay chỉ còn ở mức 2,1 – 2,3 USD/kg. Vài năm trở lại đây, sản lượng cũng như giá bán cá tra trên thị trường không tăng. Trong chuỗi sản xuất, người nuôi cá lãi ít, thậm chí các hộ nuôi còn phải bù lỗ do giá bán dưới giá thành sản xuất.
Ảnh hưởng hình ảnh cá tra
Ông Trần Thiện Hải, nguyên Chủ tịch VASEP, ví von “buôn có bạn, bán có phường”; trong kinh doanh có phân công, có phối hợp, có liên kết để cùng đưa ngành hàng ngày càng phát triển.
Thế nhưng, các DN cùng ngành này lại cạnh tranh lẫn nhau, giảm giá bán để giành khách hàng, nên phải giảm chất lượng. Điều đáng ngại hơn là xu hướng hiện nay không chỉ “bán rẻ hơn DN khác mà còn sẵn sàng bán chịu để có khách hàng”. Trong một Diễn đàn về thương mại, ông Jean-Charles Diener, Giám đốc – người sáng lập OFCO Sourcing Việt Nam (công ty tư vấn xuất khẩu), đánh giá rằng Việt Nam mất 8 năm để phát triển ngành công nghiệp xuất khẩu cá tra, thực tế là rất ít nước có thể đạt được tăng trưởng này.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích vẫn còn nhiều bất lợi, ví dụ như năm 2002, xuất khẩu cá tra tăng trưởng chủ yếu nhờ mở cửa thị trường và tạo ra thị trường mới. Giai đoạn 2002-2008, xuất khẩu cá tra tăng nhanh, tuy nhiên đi kèm với đó, chúng ta lại vướng phải những hàng rào thương mại mà các nước nhập khẩu đặt ra.
“Thị trường nhập khẩu có chiến lược chống lại cá tra Việt Nam, vì thế Việt Nam cũng cần có chiến lược phát triển, nhưng chúng ta lại áp dụng phương thức giảm giá, quy trình này cứ lặp đi lặp lại, dẫn tới sản phẩm rẻ thì chất lượng lại không đảm bảo”, ông Jean-Charles Diener bình luận.
Ông Jean-Charles Diener, dẫn chứng có một DN nhập khẩu ở Hoa Kỳ luôn thắc mắc với ông là làm sao giá cá tra Việt Nam lại rẻ như thế, có phải chất lượng không đảm bảo.
“Liệu cá tra có gặp vấn đề về an toàn thực phẩm không, tôi cho rằng không hẳn… nhưng đúng là ngành công nghiệp đã không phát triển chiến lược kinh doanh hiệu quả để hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của mình”, ông Jean-Charles Diener bình luận.
Tính riêng giai đoạn 2002-2009, trị giá xuất khẩu cá tra mỗi năm tăng lên từ 2-3 lần. Trị giá xuất khẩu cá tra chỉ bắt đầu chững lại, bão hòa từ năm 2011. Điều này cho thấy đúng là chúng ta đã không có những hỗ trợ cần thiết cho sự phát triển nhanh chóng của mình như ông Jean-Charles Diener nói.
“Việt Nam sẽ mất hàng triệu đô la Mỹ nếu chúng ta vẫn cứ có chiến lược hạ giá, đồng thời kéo theo đó, người nhập khẩu sẽ tìm ra nhiều phương pháp chặn nhập khẩu cá của Việt Nam”, ông Jean – Chaeles Diener cảnh báo.
Theo các chuyên gia, trước những cơ hội và thách thức của ngành cá tra, việc cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm và xây dựng thương hiệu là rất cần thiết. Đồng thời, với sự hỗ trợ từ các hiệp hội và Nhà nước, những nhà xuất khẩu cần làm việc cùng nhau để cải thiện hình ảnh cá tra. Điều này sẽ làm giảm đáng kể vấn đề về an toàn thực phẩm mà ngày nay được sử dụng như rào cản thương mại.
Ông Jean-Charles Diener Nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi cá cần hợp tác khôi phục lại hình ảnh cá tra Việt Nam, phối hợp với nhau tốt hơn đặt ra một giá sàn, chứ không để giá thấp như vậy, vì nếu giá thấp quá thì cũng là vấn đề. Không hạ giá thấp quá, biên thay đổi giá là 20% để sản phẩm đảm bảo sự cạnh tranh. Ngoài ra, chỉ khi chúng ta tự tôn trọng chúng ta, đảm bảo độ tin cậy cho sản phẩm thì sản phẩm của chúng ta mới đủ độ tin cậy trong thị trường. Ts. Phạm Anh Tuấn Việc liên tiếp hạ giá bán trong thời gian ngắn để giành giật được các đơn hàng, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra không chỉ “tự bắn vào chân mình” mà còn gián tiếp đẩy người nuôi cá vào thế khó; thậm chí nhiều người nuôi cá tra đã phải “chia tay vĩnh viễn” với loài cá trên. Ts. Nguyễn Việt Thắng |
Nguồn Thời báo Kinh doanh