Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 2 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP.
Đối với giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Thông tư nêu rõ, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm đánh giá tính phù hợp của việc đầu tư vốn nhà nước theo mục tiêu và phạm vi đầu tư vốn nhà nước được quy định tại Điều 5, Điều 7, Điều 12, Điều 15 Nghị định 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; đánh giá nguồn vốn, cân đối kế hoạch nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn nhà nước để đầu tư.
Đồng thời đánh giá, so sánh chỉ tiêu hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của doanh nghiệp nhà nước được thành lập giữa thực tế với Đề án: Thành lập doanh nghiệp nhà nước; Bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động; Bổ sung vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp. Trường hợp hiệu quả thực tế thấp hơn hiệu quả trong Đề án, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải giải thích nguyên nhân và đề xuất giải pháp.
Về giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát doanh nghiệp theo nội dung giám sát quy định tại Điều 9 Nghị định 87/2015/NĐ-CP. Để thực hiện nội dung giám sát này, doanh nghiệp phải lập báo cáo phân tích, đánh giá thực trạng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo các quy định: Tình hình bảo toàn và phát triển vốn gồm vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, lợi nhuận sau thuế, hiệu quả sử dụng vốn; việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Về tình hình sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính, doanh nghiệp báo cáo giám sát theo các nội dung sau: Về sản lượng sản xuất (hoặc lượng mua vào) trong kỳ, sản lượng tiêu thụ (hoặc lượng bán ra) trong kỳ, lượng tồn kho cuối kỳ của một số sản phẩm chủ yếu; Về các chỉ tiêu tài chính: Doanh thu và chi phí phát sinh liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm trong kỳ, doanh thu và chi phí hoạt động tài chính, thu nhập và chi phí khác, kết quả kinh doanh. So sánh giữa chỉ tiêu thực hiện tại kỳ báo cáo với chỉ tiêu kế hoạch năm và chỉ tiêu thực hiện cùng kỳ báo cáo của hai năm trước liền kề năm báo cáo.
Việc giám sát tài chính công ty con, công ty liên kết, doanh nghiệp thực hiện giám sát công ty con, công ty liên kết theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP.
Nội dung giám sát, đánh giá bao gồm: Tình hình sản xuất kinh doanh đánh giá biến động về doanh thu và lợi nhuận của năm báo cáo so với năm trước liền kề; Hiệu quả đầu tư vốn đánh giá tình hình thu hồi vốn, lợi nhuận, cổ tức được chia từ các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp; Khả năng thanh toán nợ đến hạn, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đánh giá khả năng thanh toán nợ đến hạn, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của công ty con, công ty liên kết; Việc chuyển nhượng vốn đã đầu tư…
Về giám sát vốn của doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát các dự án đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP.
Nội dung giám sát bao gồm: Tình hình đầu tư vốn ra nước ngoài và thu hồi vốn đầu tư về Việt Nam, tiến độ thực hiện dự án tại nước ngoài; Tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án đầu tư ra nước ngoài.
Về giám sát đặc biệt đối với doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính, các doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính được thực hiện giám sát đặc biệt theo quy định tại Mục 4 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP và báo cáo theo mẫu biểu như đối với các doanh nghiệp khác được quy định tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1/2/2016 và áp dụng cho năm tài chính 2016 trở đi.
Nguồn: Chinhphu.vn