Chủ Nhật, 24/11/2024 21:44:31 GMT+7
Lượt xem: 1296

Tin đăng lúc 18-04-2020

Gian lận xuất xứ hàng hóa ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam

Thời gian qua, lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng khi tham gia vào Hiệp định thương mại tự do FTA, một số tổ chức, doanh nghiệp đã có hành vi bất chính, gian lận xuất xứ hàng hóa nhằm trục lợi. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Gian lận xuất xứ hàng hóa ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam
Ảnh minh họa

Nhấn mạnh về tình hình gian lận xuất xứ, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Có nhiều dạng gian lận xuất xứ, một số doanh nghiệp làm giả giấy xác nhận của địa phương hoặc giả nhà sản xuất cung cấp nguyên vật liệu, cắt dán con dấu, hoặc xin xác nhận của địa phương nhưng nội dung chung chung.

 

Đầu năm 2020, Công ty TNHH Xe đạp Excel có 100% vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, chuyên lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu, bị phát hiện có hành vi gian lận xuất xứ. Cụ thể, lực lượng chức năng phát hiện công ty này nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm hoàn chỉnh. Các linh kiện nhập khẩu về Việt Nam không trải qua bất kỳ công đoạn gia công sản xuất nào và xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, lấy nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi.

 

Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa có thông báo danh sách 12 mặt hàng có thể có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ trong quý I/2020. Theo đó, 12 mặt hàng bao gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, đệm mút, tủ gỗ, đá nhân tạo, ống đồng, khớp nối bằng thép, bánh xe thép, thép tiền chế, vỏ bình gas, ghim đóng thùng xuất khẩu sang Hoa Kỳ; lốp xe tải và xe khách xuất khẩu sang EU; xe đạp điện xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU. Cục Phòng vệ Thương mại cũng lưu ý mặt hàng gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng là mặt hàng đang bị thị trường Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc.

 

Đánh giá về vấn đề này, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Việt Nam đang tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) nên quan hệ thương mại, xuất khẩu với nhiều thị trường được mở rộng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, xung đột thương mại của các nền kinh tế lớn gia tăng, các biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế cao được các quốc gia áp dụng đã làm gia tăng nhiều nguy cơ gian lận xuất xứ. Trong đó, một số doanh nghiệp cá biệt đã lợi dụng, sử dụng hành vi gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu vào nước thứ 3. Việc gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp từ các quốc gia khác qua Việt Nam để xuất khẩu đã làm tăng chi phí và nguồn lực rất lớn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đồng thời, làm mất uy tín, tạo ra nguy cơ cản trở hàng xuất khẩu của Việt Nam.

 

Trước nguy cơ bị “mượn đường” và hàng hóa nước ngoài lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước đối tác trong FTA nhằm hưởng thuế suất ưu đãi, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp ngăn chặn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”. Bộ Công Thương cũng đang tích cực triển khai một số nhóm giải pháp cụ thể như: Tăng cường tổ chức đoàn kiểm tra làm việc, xác minh đối với các trường hợp nghi ngờ về gian lận xuất xứ; Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài để xác minh thông tin nhằm ngăn chặn trước các hành vi gian lận xuất xứ; Cố gắng truyền đạt, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, để đảm bảo sự tuân thủ, đáp ứng đúng nguồn gốc xuất xứ, không tiếp tay cho gian lận xuất xứ. Ngoài ra, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi Nghị định 127 quy định xử phạt về gian lận xuất xứ để có chế tài xử phạt cao hơn đối với hành vi gian lận xuất xứ. Bên cạnh đó, Cơ quan Hải quan cũng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa ngay tại cửa khẩu, kiểm tra sau thông quan các lô hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nghi vấn về gian lận xuất xứ. Đồng thời, để chung tay đẩy lùi hành vi gian lận xuất xứ, các doanh nghiệp cần có nhận thức đầy đủ về nguy cơ xảy ra các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, điều tra gian lận xuất xứ hàng hóa và có sự chuẩn bị để tránh ảnh hưởng bất lợi đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp cũng như của cả ngành. Ngoài ra, doanh nghiệp cần có sự đầu tư đúng đắn trong việc tiếp cận tìm hiểu chính sách thương mại ở các thị trường liên quan, chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ cần thiết và kịp thời từ các chuyên gia, các nhà tư vấn, các luật sư… để giải quyết một cách hiệu quả nhất các vấn đề có thể phát sinh liên quan đến sự thay đổi hay biến động trong việc bán hàng và thực thi các chính sách thương mại của các nước.

 

Ngọc Bích


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang