Linh thiêng miền đất Tổ
Theo kế hoạch, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2018 được tổ chức trong 5 ngày, từ ngày 21 - 25/4/2018 (tức từ mùng 6 - 10/3 năm Mậu Tuất), do tỉnh Phú Thọ chủ trì, có sự tham gia của 4 tỉnh là Thái Nguyên, Quảng Nam, Bình Dương và Kiên Giang. Năm nay, phần lễ vẫn tiến hành các nghi thức trọng thể, trang nghiêm như mọi năm. Riêng phần hội được tổ chức rộng rãi trên toàn tỉnh, tập trung nhất là ở Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và Thành phố Việt Trì, trong đó có những hoạt động điểm nhấn, như: Chương trình lễ hội dân gian đường phố; chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội Đền Hùng; các hội thi bánh chưng, bánh dày, hội trại, hội thi bơi Chải Việt Trì; trình diễn Hát Xoan làng cổ gắn; biểu diễn múa rối nước…
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hà Kế San - Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2018 cho biết, để chuẩn bị cho dịp Giỗ Tổ năm nay, các công trình, hạng mục đình, đền, chùa khu vực núi Nghĩa Linh đã được tỉnh Phú Thọ khẩn trương tiến hành tu bổ. “Mặc dù chương trình tu bổ khu di tích kéo dài hết năm 2020, nhưng nhiều hạng mục quan trọng đã hoàn thành trước lễ hội 12 ngày để sẵn sàng đón đồng bào về nguồn”- ông San nói
Thực hiện “5 không”
Dự kiến, lượng khách về Giỗ Tổ năm nay sẽ tương đương như năm ngoái, khoảng 7- 8 triệu lượt người. Với lượng khách về đông như vậy, ông Hà Kế San cho hay, Ban Tổ chức quyết tâm phấn đấu đảm bảo tuyệt đối an toàn và thực hiện “5 không”, đó là: Không kinh doanh, dịch vụ với giá cả mang tính “chặt, chém”; không ùn tắc giao thông; không có người ăn xin; không có các hành vi mang tính phản cảm; không để mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Theo đó, tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm và sẽ tăng cường chỉ đạo thông tin tuyên truyền, kiểm tra, xử lý và yêu cầu không để xảy ra tăng giá, ép giá bất hợp lý đối với du khách. “Riêng các dịch vụ lưu trú buộc phải tăng giá thì không được tăng quá 30% trong dịp này, các trường hợp bị xử lý sẽ được đưa lên truyền thông khuyến cáo tới người dân không sử dụng”- ông San nhấn mạnh.
Về vấn đề giao thông, ông San cho biết, lực lượng Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải khảo sát các tuyến đường liên quan, xây dựng phương án đảm bảo phân luồng giao thông từ xa; triển khai các phương án ứng trực giải tỏa để không xảy ra ùn tắc giao thông trên các tuyến đường và khu vực Đền Hùng; lực lượng công an, quân đội, thanh niên tình nguyện sẽ hướng dẫn du khách đi theo đúng hướng lên - xuống khu vực núi Nghĩa Lĩnh tránh xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy.
Ông San cho biết thêm: Sở Y tế Phú Thọ sẽ tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện VSATTP, phòng chống dịch bệnh tại các khu vực tổ chức lễ hội; kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, phun thuốc phòng chống dịch bệnh tại khu vực Đền Hùng; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và thực hành của người quản lý, chủ cơ sở, người sản xuất, chế biến, kinh doanh; tích cực kiểm tra việc thực hiện các quy định về bao gói, nhãn mác sản phẩm; tổ chức ký cam kết đảm bảo VSATTP với các nhà hàng, khách sạn, cơ sở chế biến, quán ăn uống, giải khát nhằm không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Ông Hà Kế San – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ: Quan điểm chỉ đạo của tỉnh Phú Thọ là tổ chức phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; gắn các hoạt động hội phong phú, giáo dục truyền thống, hướng về cội nguồn, văn minh, tiết kiệm; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. |
Nguồn Báo Công Thương