Trong sâu thẳm tâm thức người Việt, mùng 10 tháng 3 âm lịch không chỉ là một dấu mốc lịch sử, mà còn là một biểu tượng thiêng liêng, nhắc nhở mỗi người con đất Việt về cội nguồn và khơi dậy tình cảm gắn bó giữa đồng bào. Hàng nghìn năm trôi qua, biết bao cuộc bể dâu chìm nổi, dân tộc ta vẫn một lòng thờ phụng các Vua Hùng – những bậc tiền nhân đã khởi dựng nên quốc gia – như một cách nhắc nhở rằng: chúng ta là một dân tộc có chung huyết thống, có chung vận mệnh.
Chúng ta tự hào là con Rồng cháu Tiên – truyền thuyết đẹp đẽ ấy không chỉ nói về một bản sắc văn hóa, mà còn về một triết lý đoàn kết sâu sắc. Từ một bào thai trăm trứng, trăm anh em cùng sinh ra – dân tộc Việt Nam hình thành với một tình cảm ruột rà, máu mủ không gì chia cắt được. Bởi vậy, chỉ ở Việt Nam, người dân mới gọi nhau là "đồng bào" – hai tiếng giản dị mà linh thiêng, hàm chứa biết bao yêu thương và trách nhiệm. "Đồng bào" không chỉ là cách xưng hô, mà là lý tưởng sống, là sợi dây thiêng liêng gắn kết mọi người Việt lại với nhau.
Là con cháu Rồng Tiên, chúng ta không chỉ tự hào về nguồn gốc – mà cũng nuôi trong mình một khát vọng: làm sao để đất nước mình có thể vươn cao, vươn xa, hóa rồng trong một thế giới đầy biến động. Hóa rồng – không còn là một hình ảnh viễn vông – mà là điều đang dần thành hình qua từng bước đi vững chắc: cải cách thể chế, tinh giản bộ máy, chống tham nhũng, lãng phí, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đột phá phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số... Những cải cách to lớn mà Đảng ta và Tổng Bí thư Tô Lâm đang kiên định thực hiện sẽ mở đường cho giấc mơ ấy – và dù vẫn còn nhiều khó khăn, thì niềm tin về một tương lai đất nước hùng cường đã mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang từng ngày đổi thay, khi thế giới đối mặt với nhiều biến động khó lường, nghĩa đồng bào càng phải trở thành sức mạnh nội sinh để giúp chúng ta vượt lên. Những thách thức mới đang gõ cửa. Các rào cản thương mại toàn cầu đang siết lại, và cũng là lời cảnh báo rằng chúng ta không thể chủ quan. Cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, áp lực chuyển dịch chuỗi cung ứng và những cuộc khủng hoảng về khí hậu, địa chính trị, kinh tế… đang đặt ra yêu cầu rất cao về khả năng thích ứng và gắn bó dân tộc, phải đoàn kết để vươn lên.
Trong cơn sóng lớn đó, càng thêm quý biết bao khi tinh thần đồng bào vẫn được nuôi dưỡng và hiện hữu trong những việc rất cụ thể. Một trong những minh chứng cảm động nhất chính là chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát mà Chính phủ đang dồn lực thực hiện. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hàng trăm nghìn hộ dân đã có một mái nhà vững chãi – một cuộc sống ấm cúng, đầy đủ hơn. Không ai bị bỏ lại phía sau – không chỉ là khẩu hiệu, mà đang trở thành hiện thực sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người dân thấy được sự chở che, thấy mình được quan tâm, được yêu thương. Và có lẽ, đó là hình ảnh giản dị mà rõ ràng nhất của nghĩa đồng bào trong thời hiện đại.
Tôi tin rằng, hành trình ấy không chỉ là của Nhà nước, mà là của tất cả chúng ta – những công dân bình thường, sống trên mảnh đất hình chữ S thân thương này. Chúng ta mỗi người một phần việc, một hoàn cảnh, một đóng góp nhỏ bé, nhưng nếu ai cũng làm tốt phần mình, thì đất nước chắc chắn sẽ mạnh lên từ đó. Hãy sống tử tế hơn, học tập chăm chỉ hơn, làm việc có trách nhiệm hơn và rộng lòng hơn với nhau – bởi trong từng việc làm ấy, chúng ta đang tiếp thêm sức cho giấc mơ hóa rồng.
Trong ngày Giỗ Tổ thiêng liêng này, khi trăm triệu người dân cùng hướng về Đất Tổ, tưởng nhớ các Vua Hùng, tôi chỉ muốn nói một điều giản dị: cảm ơn Tổ tiên đã sinh ra chúng con trong một dân tộc biết yêu thương nhau và cho chúng con cơ hội được góp phần nhỏ bé của mình vào hành trình đi tới tương lai của đất nước.
Chừng nào nghĩa đồng bào còn sống trong tim người Việt, chừng đó niềm tin, hy vọng về một đất nước hóa rồng vẫn còn mãnh liệt và nhất định sẽ thành hiện thực, không gì ngăn cản được!
Theo diendandoanhnghiep.vn