Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sáng 8/3, Tổng Bí thư Chủ tịch nước cho biết, Trung ương sẽ bàn về: chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước; và một số vấn đề quan trọng khác.
Bộ Chính trị trình Trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự
Về việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, ngay sau Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã tiến hành phân công một bước các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chuẩn bị và giới thiệu các đồng chí Ủy viên Trung ương ứng cử ĐBQH khoá XV; đồng thời chỉ đạo các cấp uỷ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ ở cấp mình.
Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, và thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu kịp thời triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bộ Chính trị đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
"Theo Quy chế làm việc, tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị cũng xin trình Trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội là những chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước ta, đồng thời báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu, hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Vấn đề nhân sự mà Hội nghị Trung ương quyết định và tham gia ý kiến lần này cần quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác nhân sự do Đại hội toàn quốc của Đảng đã thông qua, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, hài hoà của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, cố gắng xem xét một cách tổng thể, sắp xếp hợp lý nhất trong điều kiện có thể; căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ; cần chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; kết hợp yêu cầu trước mắt với bước chuẩn bị cho các khoá tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa và phát triển.
Công tác nhân sự cần được tiến hành theo đúng các quy định của Đảng, quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, đúng với nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; đồng thời phù hợp với các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Tiếp tục đổi mới, cải tiến cách ban hành nghị quyết
Về chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho hay, căn cứ vào Nghị quyết, các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và xem xét ý kiến đề xuất của các ban, bộ, ngành, địa phương và của các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị chuẩn bị dự thảo Chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương.
Đây là công việc quan trọng của Hội nghị Trung ương đầu nhiệm kỳ, xác định những nội dung, bước đi, định hướng của việc cụ thể hoá để chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội. Với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến cách ban hành nghị quyết, đi đôi với việc tăng cường chỉ đạo tổ chức và kiểm tra việc thực hiện, đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, lựa chọn đưa vào chương trình những vấn đề lớn, quan trọng và cần thiết nhất, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương.
Chương trình làm việc bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ giữa các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới mà Đại hội XIII đã xác định.
Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý, ưu tiên cho những vấn đề bức xúc, khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết; những khâu cần đột phá, các nhiệm vụ trọng yếu. Cụ thể là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh.
Cùng với đó, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực; thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ, cải thiện môi trường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế...
Theo Vietnamnet