Doanh nghiệp Việt chủ yếu vẫn “đánh bắt xa bờ”
Theo khảo sát của VCCI, có tới 80% - 90% doanh nghiệp Việt nói có biết về các hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam đang tham gia. Nhưng nếu nói biết rõ thì tỷ lệ doanh nghiệp (DN) “dám” thừa nhận cao nhất chỉ là 16% (đối với các cam kết từ Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN - AEC). Hiểu biết của DN Việt với các FTA khác ở mức độ “tỏ tường” cũng khá thấp (FTA Việt Nam-EU: 8,5%, FTA Việt Nam - Hàn Quốc: 12%...).
Tuy vậy, nghịch lý ở chỗ giao thương giữa Việt Nam với khu vực ASEAN lại “đuối đà” hơn hẳn giữa ASEAN với các khu vực khác của thế giới bất chấp thực tế tăng trưởng GDP đầy ấn tượng của ASEAN cũng như dự báo đây sẽ là khu vực kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu vào 2030. Hiện ASEAN đang chiếm thứ 6 về GDP toàn thế giới, xếp thứ 3 tại châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản); tăng trưởng kinh tế bình quân 4,8%/năm.
Những con số đầy tiềm năng ấy tuy nhiên dường như chưa tác động đáng kể tới xu hướng kinh doanh của đa số DN Việt. Thống kê của Ban Thư ký ASEAN (Asean Secretariat) cho thấy kim ngạch hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Việt Nam ra thế giới, tức đang xếp cuối bảng tổng sắp giá trị kim ngạch xuất khẩu tới các đối tác thương mại ở những FTA mà Việt Nam là thành viên.
Nếu như năm 2016 chỉ có 9,8% hàng xuất khẩu của Việt Nam đi vào ASEAN thì tỷ lệ trung bình của các nước khác lại lên tới 24%. Tương tự, Việt Nam cũng có tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN thấp nhất, chỉ 13,7% so với mức trung bình 22%.
Nếu tạm gác lại các phân tích về áp lực cạnh tranh do hàng Việt khá tương đồng về chủng loại với sản phẩm của những người “láng giềng gần”, khuyến nghị của ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam lại mở ra thông điệp cho thấy “thiếu nội lực đủ mạnh là thách thức chính khiến DN Việt khó tiến ra biển lớn”.
Trong khi đó, những người làm quản lý nhà nước lại tin rằng nếu DN kết nối tốt với các cơ quan xúc tiến thương mại trong nước thì tiếng nói khi khởi sự làm ăn với đối tác ngoại, nhất là tại ASEAN, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
“Là đại diện của một tổ chức nhà nước, chúng tôi thường được các nhà phân phối nước ngoài chào đón, được lắng nghe nhiều khuyến nghị, hướng dẫn để từ đó có thể giúp DN chỉ tốn mất 2 tháng để xuất khẩu được hàng - nhanh hơn nhiều so với việc DN ‘tự đi’ - có thể mất cả năm”, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết.
Còn theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), DN không thể nghĩ tới con đường phát triển bền vững nếu vẫn giữ tư tưởng có thể kinh doanh nhờ “quan hệ”. “Kết nối với cơ quan chức năng cũng là để kịp thời kiến nghị nhà nước tháo gỡ bất cập chính sách, tạo thuận lợi cho chính mình”, bà Tuệ Anh nhấn mạnh.
Vào chuỗi phân phối bản địa, không chỉ một kiểu “bơi”
Nhà nghiên cứu kinh tế từ CIEM nhận định với vị thế hiện nay, khó mà “thúc ép” DN Việt tiến nhanh, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngày một, ngày hai. Thay vì như như vậy, vẫn có con đường khác để xuất khẩu hàng Việt. Đó là kênh gián tiếp thông qua các nhà phân phối đa quốc gia đã có mặt ở Việt Nam.
Thực vậy, theo bà Punthila Puripreecha, Giám đốc Vận hành của MM Mega Market Vietnam (thuộc TTC Group Thái Lan - ông chủ mới của Big C Việt Nam), mới quý 1 năm nay, DN này đã xuất khẩu hơn 100 tấn nông sản Việt qua 700 siêu thị - cửa hàng Big C ở Thái Lan. Dự kiến, sang năm 2019, con số hàng Việt xuất ra thế giới qua kênh Big C sẽ là 2.250 tấn nông thủy sản các loại.
Tương tự, dù chưa có con số thống kê mới nhất nhưng ghi nhận tới giữa năm 2017 cho thấy lượng hàng hóa Việt xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc qua hệ thống siêu thị Lotte cũng đã lên tới cả tỷ USD.
Từ góc nhìn kinh nghiệm bản thân, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty Gỗ An Cường thì cho rằng để tiến vào thị trường Đông Nam Á, DN nên thông qua hệ thống đại lý bản địa trước. “Chúng tôi từng mở một văn phòng ở Myanmar, thuê người làm sale, kinh doanh… Mỗi tháng tốn mấy chục ngàn đô la Mỹ. Áp lực chi phí khiến cho DN phải tính kế rút lui sau đó 6 tháng để chuyển sang kinh doanh thông qua đại lý. Cắt đi 5% hoa hồng nhưng đây là bước đi để có chi phí thấp nhất ở buổi ban đầu”, ông Nghĩa chia sẻ.
Nói về kinh nghiệm của một DN trồng thanh long ở xứ Đồng Tháp Mười, ngoài trang bị những loại máy móc tiên tiến nhất hỗ trợ cho trồng trọt và khâu chế biến sau thu hoạch, DN này cũng dày công gây dựng đội ngũ tiếp thị - kinh doanh là những du học sinh, sinh viên Việt Nam ngay trên “đất khách” nhằm đưa mặt hàng này tới thẳng các chợ đầu mối nằm sâu trong nội địa Trung Quốc thay vì chỉ chờ thương lái tới mua hay bán ngay tại cửa khẩu Việt - Trung như cách mà đa số thanh long Việt đang được tiêu thụ hiện nay. Nhờ vậy mà DN khó bị ép giá cũng như không phải chịu quá nhiều sóng gió gây ra bởi các khâu thương mại trung gian khác.
Rõ ràng đây là những bài học và kinh nghiệm quý báu của các DN lớn và có đầu tư bài bản từ đầu. Tuy nhiên, thuyền lớn thì đi khơi xa - bắt cá lớn, thuyền nhỏ thì liệu sức mình - câu cá nhỏ. Dù trên mặt bằng chung thì có vẻ hàng Việt vẫn còn “thờ ơ” với thị trường ASEAN nhưng xét trên một số điển hình thì cũng không hiếm DN Việt đang ngày ngày xây dựng chỗ đứng riêng tại đây với nhiều sản phẩm rất đặc thù và với những đối tượng khách hàng không phải lúc nào cũng là đại chúng (Cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, Thực phẩm Bích Chi, Bánh Kẹo ABC…).
Vậy nên, cái mà người ta gọi là “thị trường ngách” ấy có lẽ vẫn phù hợp trong bối cảnh của Việt Nam, khi mà lực lượng DN tư nhân - hiện chủ yếu là nhóm SMES - vẫn còn những hạn chế nhất định về tích lũy vốn, kinh nghiệm và nhiều nguồn lực khác so với DN của những nền kinh tế đã đi trước nhiều thập niên.
Theo báo Chính phủ