Tăng trưởng đang chậm lại và thiếu bền vững
Phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và kinh nghiệm 35 năm đổi mới” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức ngày 26/4, TS Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương - cho rằng: Qua thực tiễn đánh giá quá trình triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách liên quan đến đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế cho thấy, kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt được những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, mô hình tăng trưởng từng bước được chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng với chiều sâu, năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện.
“Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, cơ cấu các ngành, lĩnh vực chuyển dịch theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế. Các vấn đề trọng tâm về cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước đã từng bước được thực hiện và đạt được kết quả bước đầu. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và khu vực công đạt được một số kết quả đáng ghi nhận” – TS Nguyễn Đức Hiển thông tin.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, TS Nguyễn Đức Hiển cho rằng, việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu thì còn chậm so với yêu cầu đặt ra, mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào yếu tố đầu vào, gồm có vốn, lao động, đóng góp của TFP vào nền kinh tế còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khu vực có cùng giai đoạn phát triển. Tăng năng suất lao động thời gian qua chủ yếu vẫn do tăng cường độ vốn đầu tư và sử dụng lao động chi phí thấp, chủ yếu vẫn dựa vào kinh tế thâm dụng lao động, dựa vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài… chênh lệch năng suất.
Các vấn đề cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm dù được triển khai thực chất hơn nhưng chưa hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra theo kế hoạch, hiệu quả đầu tư công chưa cao và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhất là vốn ODA.
"Tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với kế hoạch đề ra. Chủ yếu tập trung vào sắp xếp thu gọn số lượng doanh nghiệp, chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa được cải thiện, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp" - TS Nguyễn Đức Hiển khẳng định.
Tiến độ, chất lượng xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, quá trình cơ cấu ngân sách nhà nước và đơn vị công còn nhiều hạn chế, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực còn chậm, việc nâng cấp chuỗi giá trị, đổi mới sáng tạo chưa đạt được như mong đợi.
Khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự lớn mạnh, chưa trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều vấn đề tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mới.
Liên quan đến những kết qủa đạt được sau 35 năm đổi mới, TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - nhận định: Quy mô nền kinh tế đạt 261,92 tỷ USD vào năm 2019, gấp 4,5 lần năm 2005 và 9,5 lần năm 1986.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Việt Nm đang chậm lại, giai đoạn 1989-2007 trên 6%/năm, thấp hơn kế hoạch và thấp hơn so với các nước châu Á đã vượt bẫy thu nhập trung bình. Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,8%/năm, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 7%/năm.
Bên cạnh những điểm tích cực, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các "điểm nghẽn" tăng trưởng kinh tế chậm được tháo gỡ
Thừa nhận nền kinh tế Việt Nam phát triển tích cực sau hơn 35 năm đổi mới, giúp Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu, sản xuất hầu như không đáp ứng được nhu cầu trong nước trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Song, theo PGS, TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Nhìn sâu vào thực chất phát triển, đặc biệt là chất lượng tăng trưởng, phát triển dễ nhận thấy nền kinh tế nước ta đang chứa đựng hàng loạt vấn đề nghiêm trọng, thể hiện qua: Chất lượng tăng trưởng thiếu vững chắc, xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP, chất lượng và đẳng cấp phát triển chậm thay đổi, các “điểm nghẽn” tăng trưởng và phát triển chậm được tháo gỡ.
Tập trung vào khu vực tư nhân và tăng hiệu quả thực thi chính sách
Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam sau 35 năm đổi mới, tuy nhiên, TS Jonathan Pincus - Cố vấn cao cấp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) - cho rằng: Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, ít có doanh nghiệp lớn và không tập trung vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo và chủ yếu thuộc về lĩnh vực bất động sản.
Cũng theo TS Jonathan Pincus, các mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đưa ra rất hay, nhưng khi triển khai vào thực tế lại không hiệu quả, điều đó khiến những mục tiêu đặt ra trong đổi mới mô hình tăng trưởng đều không mang lại hiệu quả. Nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, TS Jonathan Pincus khuyến cáo, Việt Nam cần dành sự quan tâm đặc biệt cho khu vực kinh tế tư nhân thông qua những chính sách cụ thể giống như một số quốc gia trên thế giới đã áp dụng, đồng thời tăng hiệu quả thực thi của các chính sách trong thời gian tới.
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng - nhận định: 7 nhiệm kỳ qua, chưa bao giờ Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, cụ thể cứ đặt mục tiêu tăng trưởng 7% thì chỉ đạt 6% và đặt mục tiêu 6% thì chỉ đạt 5%. Ông Cấn Văn Lực đặt câu hỏi, phải chăng chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao, hay cơ hội tăng trưởng đã khai thác hết?
Từ thực tế trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn đổi mới mô hình tăng trưởng, cần nhận diện kỹ hơn những cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, ông Cấn Văn Lực đồng tình với quan điểm rằng, một trong những tồn tại của kinh tế Việt Nam hiện nay đó là khâu thực thi chính sách còn chậm, kém hiệu quả. Cùng với đó, chưa xác định đúng về lợi thế, cũng như điểm mạnh, điểm yếu của từng vùng, miền, địa phương, dẫn đến lãng phí hoặc không khai thác hiệu quả nguồn lực. Để gỡ “nút thắt” trên, tới đây, Việt Nam cần chú trọng hơn đến công tác quy hoạch.
Chia sẻ tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến quá trình thực thi các chính sách, nghị quyết vào thực tiễn còn nhiều bất cập là chúng ta chưa tạo được động lực triển khai chính sách từ cấp trung ương đến địa phương, thiếu giám sát triển khai, nên hiệu quả đạt được về số lượng cũng như chất lượng còn hạn chế.
Để khắc phục bất cập này, bên cạnh cải thiện chất lượng thể chế, rất cần thực hiện phân cấp, phân quyền đến từng địa phương, cùng với đó, cần làm tốt công tác quy hoạch, nhận diện rõ hơn những lợi thế của từng địa phương, từng vùng và từng lĩnh vực cụ thể, từ đó chuyển đổi mô hình tăng trưởng tập trung vào lợi thế từng vùng, từng lĩnh vực, tạo điều kiện để cho các đô thị, các đầu tàu kinh tế phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong nước.
Theo congthuong.vn