Thứ Bẩy, 23/11/2024 18:41:15 GMT+7
Lượt xem: 984

Tin đăng lúc 14-06-2021

“Gỡ vướng” áp dụng mã loại hình xuất nhập khẩu mới

Để phù hợp với thực tiễn cũng như công tác quản lý, thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa, mới đây Tổng cục Hải quan đã ban hành mã loại hình xuất nhập khẩu mới (đã có hiệu lực từ ngày 1/6/2021) thay thế bảng mã cũ năm 2015. Tuy nhiên, một số mã loại hình xuất nhập khẩu mới khi áp dụng cũng đã phát sinh những vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời.
“Gỡ vướng” áp dụng mã loại hình xuất nhập khẩu mới

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, việc ban hành bảng mã loại hình xuất nhập khẩu mới, là nhằm đáp ứng yêu cầu thay đổi từ thực tiễn của nền kinh tế cũng như hệ thống chính sách, pháp luật trong bối cảnh tình hình mới. Trong đó, cần phải tách một số hoạt động xuất nhập khẩu ra để làm rõ mã loại hình nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác thống kê, theo dõi (xuất nhập khẩu tại chỗ, mã chế độ riêng, phân loại theo mục đích sử dụng của hàng hóa, phân loại mục đích nhập khẩu trở lại để áp dụng chế độ quản lý phù hợp...). Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung mới một số mã loại hình xuất nhập khẩu cho phù hợp với các chính sách thuế mới, chẳng hạn như loại hình hàng hóa được thanh toán, nộp thuế bằng vốn ngân sách nhà nước; hay hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp được ưu tiên…

 

Tuy nhiên, khi thực hiện bảng mã xuất nhập khẩu mới này, liên quan đến mã loại hình A12 (nhập kinh doanh sản xuất), mã loại hình E21 (nhập nguyên liệu, vật tư để gia công cho thương nhân nước ngoài), hay mã loại hình E52 (xuất sản phẩm khi thực hiện gia công sản phẩm cho thương nhân nước ngoài), các doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan tại Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Cần phải làm rõ các tiêu chí áp dụng đối với những mã loại hình này. Chẳng hạn, đối với mã loại hình A12, cần giải thích rõ thế nào là doanh nghiệp Việt Nam. Bởi tại Việt Nam, không chỉ có các doanh nghiệp trong nước, mà còn có cả các doanh nghiệp Việt Nam liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoạt động đầu tư tại Việt Nam.


Lý giải về thắc mắc nêu trên, liên quan đến mã loại hình A12, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan, cho biết: Luật Doanh nghiệp năm 2020 qui định, doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam. Còn tại Luật Đầu tư năm 2020 qui định, tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh); tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.

 

Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, khẳng định: Tổ chức kinh tế (doanh nghiệp) có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập, hoạt động theo pháp luật Việt Nam, là doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất ở trong nước (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư) sẽ sử dụng mã loại hình A12 (nhập kinh doanh sản xuất) khi thực hiện thủ tục khai hải quan.

 

Đối với mã loại hình E21 và E52, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, hướng dẫn: Mã loại hình E21 sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để gia công cho thương nhân nước ngoài hoặc doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, nhập khẩu từ các nguồn: từ nước ngoài của bên đặt gia công; theo chỉ định của bên đặt gia công; tự cung ứng từ nguồn nhập khẩu theo thỏa thuận với bên đặt gia công. Trường hợp bên nhận gia công nhập khẩu nguyên liệu, vật tư từ doanh nghiệp khác tại Việt Nam để gia công theo chỉ định của bên đặt gia công (nhập gia công tại chỗ) hoặc trường hợp bên nhận gia công nhập khẩu nguyên liệu, vật tư từ doanh nghiệp khác ở nước ngoài theo chỉ định của bên đặt gia công, thì cũng áp dụng mã loại hình E21.

 

Đối với mã loại hình E52, Tổng cục Hải quan, cho biết, khi bên nhận gia công xuất sản phẩm gia công cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam theo chỉ định của bên đặt gia công (xuất gia công tại chỗ), hoặc chuyển tiếp sản phẩm theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP, hoặc bên nhận gia công xuất sản phẩm cho doanh nghiệp khác ở nước ngoài theo chỉ định của bên đặt gia công, thì áp dụng.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang