Những biện pháp mang tính tất yếu nếu như muốn giúp doanh nghiệp xuất khẩu Nghệ An tháo gỡ khó khăn hiện hữu, tăng sức cạnh tranh và tạo đà tăng trưởng kinh tế mạnh trong thời gian tới đang cần được khơi thông, tháo gỡ kịp thời.
Tăng trưởng nhưng hiệu quả chưa cao
Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Nghệ An, năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm trước, vượt 8,2% kế hoạch năm; trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt kim ngạch 2,44 tỷ USD, tăng 11,67% so với năm 2022, đạt 97,8% kế hoạch năm.
Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá, điển hình như: Xi măng đạt 220 triệu USD, tăng 13,2%; linh kiện điện tử đạt 430 triệu USD, tăng 10,1%; hàng thủy sản đạt 148,6 triệu USD, tăng 61,7%; tôn, thép các loại đạt 268,8 triệu USD, tăng 17,5%; giày dép các loại đạt 105,3 triệu USD, tăng 68,1%; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 55,2 triệu USD, tăng 66,5%; gạo đạt 24,1 triệu USD, tăng 88,8%... Trong đó, đáng chú ý là tỷ lệ hàng hoá xuất khẩu qua chế biến tiếp tục tăng, nhất là hàng vật liệu xây dựng, khoáng sản, thuỷ sản chế biến và một số hàng nông sản chế biến như nước hoa quả chế biến.
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu năm 2023, đại diện Sở Công Thương Nghệ An cho rằng, mặc dù có sự tăng trưởng nhưng chưa thực sự vững chắc, hiệu quả chưa cao. Cụ thể, về hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu chiếm tỷ lệ còn thấp, tỷ lệ giá trị nội địa hóa trong hàng hóa hưởng ưu đãi thuế quan chỉ dừng ở mức độ hạn chế; mặt hàng xuất khẩu tuy đa dạng nhưng quy mô nhỏ.
Chưa kể, nhiều mặt hàng xuất khẩu gặp khó, kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái, một số còn phụ thuộc vào nguồn hàng ngoại tỉnh và thị trường ngoài nước, như: Tinh bột sắn, hạt tiêu, sản phẩm gỗ...
Bàn giải pháp “gỡ khó” cho doanh nghiệp
Trong khuôn khổ hội nghị đối thoại, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2024 do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức, diễn ra vừa qua đã ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất đến từ đại diện các doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn hiện hữu trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Ý kiến của ông Ngô Văn Thanh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan cho thấy rõ điều đó khi nêu thực tế Nghệ An là tỉnh có thế mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nhưng vấn đề logistics đang bất cập, hàng hoá phải di chuyển ra Cảng Hải Phòng khiến chi phí đội cao.
Còn ông Nguyễn Viết Hùng - Giám đốc Công ty Cổ phần Á Châu Hoa Sơn cho biết, nguyên liệu đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp đang đối mặt với vấn đề thiếu nguyên liệu, bị thương lái tranh mua. Hiện nay, nguyên liệu chỉ đáp ứng 30 - 40% công suất. Do đó, tỉnh cần phải có giải pháp bảo vệ doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư, có như vậy mới dám đầu tư công nghệ chế biến.
Còn đối với các doanh nghiệp dệt may, mây, tre đan xuất khẩu… thì chia sẻ khó khăn do thiếu lao động, ảnh hưởng đến sản xuất; vấn đề thuê đất, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại. Ngoài ra, những bất cập khác liên quan đến thủ tục kiểm tra hàng hóa, tiền cấp quyền khoáng sản… cũng được nhiều doanh nghiệp ở các huyện Quỳ Hợp và Tân Kỳ nêu kiến nghị.
Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp xuất khẩu địa phương gặp phải, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An đã trao đổi, trả lời cụ thể các vấn đề doanh nghiệp đề xuất, đồng thời chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương liên quan tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu phát triển.
Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kim ngạch xuất khẩu năm 2024, ông Lê Hồng Vinh cho rằng cần phải tận dụng có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do nhằm mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Đề nghị các sở, ban ngành, địa phương và các doanh nghiệp liên quan cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản về phát triển nguồn hàng xuất khẩu, hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu, cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics, tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động xuất, nhập khẩu...
Theo Diendandoanhnghiep.vn