Thứ Bẩy, 23/11/2024 02:03:29 GMT+7
Lượt xem: 3504

Tin đăng lúc 03-05-2017

Gỡ vướng chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

Tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) vừa công bố kết quả nghiên cứu về việc “chính thức hóa” hộ kinh doanh ở Việt Nam để cung cấp những thông tin về cơ sở chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo các loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật doanh nghiệp.
Gỡ vướng chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp
Tạo điều kiện gắn kết các hộ kinh doanh để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế

Đây là vấn đề đang được quan tâm sâu sắc khi phát triển doanh nghiệp được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động.

 

Hộ kinh doanh là hình thức tổ chức kinh doanh phổ biến, là một trong những chủ thể sản xuất, kinh doanh quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Số hộ kinh doanh tăng khá nhanh, từ 0,33 triệu hộ kinh doanh (năm 1989) lên 1,5 triệu hộ kinh doanh (năm 1999) và 4,75 triệu hộ kinh doanh (năm 2015) (gấp khoảng 10 lần tổng số DN đang hoạt động) với tổng doanh thu trên 2,249 triệu tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 8 triệu lao động. Bình quân 19,3 người dân có 1 hộ kinh doanh.

 

Tuy nhiên, số lượng hộ kinh doanh đăng ký thành lập doanh nghiệp còn rất hạn chế. Theo kết quả điều tra của nghiên cứu này, có 80% doanh nghiệp điều tra được thành lập mới hoàn toàn và chỉ có 17,8% số doanh nghiệp điều tra được hình thành từ các hộ kinh doanh.

 

Việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN đang là vấn đề cấp thiết vì số hộ kinh doanh cá thể lớn gấp 10 lần số DN nhưng tỉ lệ nộp thuế lại rất thấp. DN được thành lập trên cơ sở hộ kinh doanh sẽ có hiệu quả kinh doanh cao hơn so với DN thành lập mới vì họ đã có quá trình tham gia thị trường. Chính vì vậy, cơ quan nhà nước cần tạo cơ chế, tâm lý cho hộ kinh doanh hiểu rõ được những ưu đãi cho DN cụ thể hơn, lớn hơn là cho hộ; cơ chế vốn, kỹ năng quản trị cũng tốt hơn, từ đó sẽ có lợi hơn về lâu dài.

 

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, sản xuất theo chuỗi sản phẩm, tính liên kết cao thì những hộ kinh doanh rất yếu thế trước sức ép mọi mặt của các tập đoàn, chuỗi liên kết giá trị lớn. Bên cạnh đó, nếu nhỏ bé mãi, những sản phẩm làm ra sẽ không có chất lượng, không có thương hiệu, bản đồ xuất xứ hàng hóa của Việt Nam vẫn mãi chỉ là sản phẩm thô sơ, rất khó đi vào các thị trường lớn.

 

Lý do các hộ kinh doanh không “mặn mà” trong việc chuyển sang đăng ký thành lập DN, là bởi cho dù  gặp nhiều bất lợi về quyền kinh doanh, góp vốn thành lập, mua cổ phần… nhưng nhìn tổng thể hộ kinh doanh đang có nhiều lợi thế hơn so với các loại hình DN về các khía cạnh như đối tượng thành lập, hồ sơ, thủ tục thành lập, tổ chức quản lý, chế độ kế toán, tài chính, nộp thuế, công bố thông tin…  chưa kể họ ít phải chịu sự kiểm tra, thanh tra. 
 

Nghiên cứu của CIEM cũng cho thấy, khung pháp luật liên quan chưa quy định nhất quán về đối tượng thuộc diện chuyển đổi, chưa quy định cho phép chuyển đổi trực tiếp giữa hộ kinh doanh và các loại hình DN, làm cho thủ tục chuyển đổi phức tạp, thiếu chế tài thực hiện chuyển đổi, chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa chưa thực sự hiệu quả, chưa đủ khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện đăng ký thành lập DN. Ngoài ra, phần lớn các hộ kinh doanh quen với tập quán kinh doanh nhỏ, lẻ nên ngại thay đổi. 

 

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, để đạt mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020 cần phải thành lập rất nhiều DN mới. Nếu không cải cách môi trường kinh doanh để kích thích thương nhân lập DN mà dùng mệnh lệnh hành chính yêu cầu chuyển đổi sẽ dễ dẫn đến tình trạng “khoác áo” DN lên hộ kinh doanh. Như thế, sẽ chỉ đạt về số lượng DN nhưng không có chất lượng. Bên cạnh đó, dư luận rất dễ hiểu nhầm về định hướng của Chính phủ và khiến mục đích hỗ trợ hộ kinh doanh bị hiểu nhầm hoặc không đến được với đối tượng phục vụ.

 

Báo cáo đưa ra các nhóm khuyến nghị chính sách như: Cần nghiên cứu xây dựng Chương trình hành động khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; cần quy định rõ hơn thời hạn, chế tài chuyển đổi hộ kinh doanh đủ điều kiện thành các hình thức doanh nghiệp; Ban hành cơ chế, chính sách bảo đảm các hộ kinh doanh sau khi chuyển thành doanh nghiệp duy trì hoạt động và phát triển; bảo đảm công khai, minh bạch, đặc biệt là trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về những lợi thế, những cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh khi đăng ký thành lập dưới các hình thức doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục thành lập, nộp thuế, kế toán và thủ tục hành chính khác để giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang