Xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng nóng lên
Trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng nóng lên, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã tác động không nhỏ đến Việt Nam.
Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, tính đến hết tháng 9/2019 đã có 154 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất với 30 vụ, chiếm 19%; thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ, chiếm 14%; thứ ba là Ấn Độ 20 vụ, chiếm 13% và thứ tư là EU 14 vụ, chiếm 9%.
Dẫn đầu trong các vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra là điều tra chống bán phá giá có 87 vụ việc, chiếm 56%; tiếp đó là các vụ việc tự vệ với 33 vụ, chiếm 21%; thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với 19 vụ việc, chiếm 13%...
Nhiều mặt hàng tiềm ẩn rủi ro gian lận xuất xứ
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết tính đến ngày 20/10, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là hơn 29 tỉ USD, tăng 4,3% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, đáng chú ý, vốn đầu tư từ Trung Quốc, Hong Kong có xu hướng tăng đột biến (Trung Quốc tăng 2 lần; Hong Kong tăng gần 4 lần). Tuy nhiên, qui mô đầu tư rất nhỏ, khoảng 1 triệu USD.
Ông Tuấn nhận định với số vốn thấp như vậy thì việc chuyển giao công nghệ, đầu tư sâu để thay đổi đáng kể xuất xứ hàng hóa là không thể. “Chúng tôi nghi vấn điều này tiềm ẩn rủi ro liên quan đến chuyền tải bất hợp pháp. Bởi việc chuyển hướng đầu tư này xuất phát từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung để lẩn tránh thuế quan Mỹ áp lên Trung Quốc”.
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan.
Bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong 10 tháng đầu năm nay tăng 26,5% so với cùng kì năm ngoái và tăng 4 lần so với trung bình tốc độ tăng ở các thị trường khác. Điều này cũng tiềm ẩn rủi ro gian lận xuất xứ khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Ông Tuấn cho biết các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu đột biến trên 25% đang nằm trong nguy cơ gian lận xuất xứ cao bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm từ sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp, xe đạp điện; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; dệt may…
“Việc tăng trưởng mạnh trong thời gian ngắn như vậy có nguy cơ về hành vi “chuyền tải” bất hợp pháp”, ông Tuấn nói.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề “chuyển tải” này, nhiều chuyên gia cho rằng việc “chuyển tải” không phải là hiện tượng mới đối với thương mại của Việt Nam. Từ năm 2000 đến nay đã phát hiện một loạt sản phẩm xuất khẩu mượn danh Việt Nam xuất khẩu sang EU được phát hiện “chuyển tải” từ Trung Quốc qua các cuộc điều tra chống bán phá giá chính thức, như xe đạp vào năm 2000, giày mũ da 2008, bật lửa 2004, kẽm ô xít 2003...
Dễ thấy nhất là các vụ xuất khẩu sản phẩm tháo rời sang Việt Nam, thực hiện tại đây các công đoạn lắp ráp đơn giản hoặc công đoạn “tối thiểu" không tạo ra sự chuyển đổi đáng kể.
Do đó, nếu không có sự kiểm soát hiệu quả, Việt Nam tiếp tục bị các nước nhập khẩu khởi xướng các cuộc điều tra với hàng hóa xuất khẩu và hệ lụy thu hẹp thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp của các doanh nghiệp và cả ngành hàng xuất khẩu. Mặt khác, nếu tình trạng mượn xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp bị các quốc gia nhập khẩu, điển hình là Mỹ phát hiện, tăng rủi ro cho doanh nghiệp và sản phảm tuân thủ của Việt Nam sẽ bị chậm trễ khi làm thủ tục xuất khẩu tại Mỹ, tăng nguy cơ bị áp thuế cao hơn với hàng hóa xuất khẩu, kể cả của những doanh nghiệp tuân thủ tốt.
Để giải quyết thực trạng này, ông Âu Anh Tuấn cho rằng cần thiết phải phối hợp với các hiệp hội đánh giá năng lực sản xuất, xuất khẩu của từng ngành hàng, xác định các mặt hàng có lượng xuất nhập khẩu tăng đột biến và xác định doanh nghiệp có rủi ro gian lận để kịp thời ngăn chặn.
Theo VietQ