Thực tế trên thị trường, mặt hàng nào cũng cạnh tranh mạnh, đều có hàng nhái kém chất lượng trà trộn khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc lựa chọn. Đồ gốm cũng vậy, trên thị trường bày bán tràn lan các loại đồ gốm không rõ nguồn gốc, xuất xứ gây ảnh hưởng cho người dùng.
Để cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian trong quá trình nung các sản phẩm gốm để có hoa văn đẹp mắt, một số nhà sản xuất đã cho thêm chì vào quá trình nung, bất chấp cảnh báo đồ nhiễm chì ảnh hưởng đến sức khoẻ và có khả năng gây ung thư cho người dùng. Trong khi đó, không phải người tiêu dùng nào cũng nhận biết được những sản phẩm gốm không nhiễm chì để mua.
Bên cạnh đó, thị trường cũng xuất hiện nhiều sản phẩm gốm với nhãn hiệu lạ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí không có nhãn mác (nếu có thì in toàn tiếng nước ngoài). Theo các chuyên gia, gốm sứ đưa vào Việt Nam từ một số nước chưa được kiểm soát về chất lượng.
Ở Hà Nội, dọc các tuyến đường Nguyễn Xiển hay Nghiêm Xuân Yêm, đồ gốm sứ được bày bán la liệt. Trên vỉa hè ở một số khu vực phố Mai Động, các loại bát đĩa có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt cũng được bày bán tràn lan, thu hút người mua.
Chị Đinh Dung (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, nhà có con nhỏ nên chị hay mua các loại bát đĩa có màu sắc, hoa văn in hình để kích thích thị giác, khi con nhìn thấy thích sẽ ăn nhiều cơm. “Mình thường mua bát đĩa sử dụng chỉ theo ý thích, chứ thú thực cũng không để ý kỹ đến nhãn hiệu hay chất lượng”, chị Dung chia sẻ.
Không ít nhà sản xuất sử dụng nhiều loại màu để tạo ra những món đồ gốm sứ bắt mắt nên sản phẩm tạo ra không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Để màu sắc vẫn giữ được vẻ bắt mắt trên bề mặt sản phẩm, nhà sản xuất buộc phải nung ở nhiệt độ thấp nên hàm lượng chì và kim loại nặng trong màu vẫn còn. Tạo hoa văn bên trên lớp men phần lớn không an toàn cho người sử dụng, tức nhà sản xuất dùng hình ảnh decal dán lên sản phẩm và cũng được nung thêm một lần nữa nhưng với nhiệt độ thấp nên chất độc hiện diện ngay trên bề mặt sản phẩm đồ gốm sứ rất nguy hiểm.
Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn những loại đồ gốm sứ có hoa văn, hình vẽ dưới lớp men sẽ an toàn hơn. Hoa văn dưới lớp men khi sờ vào sẽ có cảm giác láng mịn, còn hoa văn được tạo trên lớp men thì bị nổi cộm.
Thông thường các sản phẩm gốm sứ không nhiễm chì thường được nung ở nhiệt độ cao từ (1200 -1250 độ C), độ cứng bề mặt và độ bền hóa cũng cao, do đó dẫn đến tiêu tốn năng lượng, cũng như thời gian hơn so với không chì… Nên thực tế nhiều nhà sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận đã pha thêm chì oxit, hoặc chì oxít đã được frit hóa vào hỗn hợp men để giảm thời gian nung, nhiệt độ nung cũng như tăng khả năng bám dính, tăng độ sắc nét của hoa văn trên đồ gốm sứ.
Theo các chuyên gia thì các sản phẩm kém chất lượng thường có hàm lượng chì khá cao có hại đến sức khỏe cho người sử dụng. Lớp men trên đồ gốm sứ kém chất lượng rất dễ bị mài mòn, chất chì sẽ nhiễm độc vào thức ăn rất nguy hiểm. Kim loại nặng có trong màu sắc khi tiếp xúc với thức ăn nóng, thức ăn có tính axít, chua sẽ dễ dàng thôi nhiễm và vào cơ thể, tích tụ lâu ngày gây nhiều chứng bệnh về hệ thần kinh. Chì cũng như các kim loại nặng khác khi vào cơ thể còn gây ức chế các phản ứng trong cơ thể, tích lũy trong gan, thận gây nhiều chứng bệnh nguy hiểm hoặc tích lũy trong xương gây loãng xương, phân hủy xương.
Gốm sứ không rõ nguồn gốc còn gây ra một số bệnh kinh niên, mãn tính như bệnh thận hoặc bệnh thần kinh. Gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan nội tạng trong cơ thể như: Gan, phổi, dạ dày... Một khi nó đã được đưa vào cơ thể, cadmium bị loại bỏ rất chậm.
Gốm sứ Trung Quốc có rất nhiều loại sản phẩm tinh xảo và cao cấp. Nhưng hiện nay, trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều gốm sứ Trung Quốc in decal kém chất lượng với mẫu mã đa dạng, màu sắc bắt mắt và giá thành rẻ. Điều này gây nhiều khó khăn cho người tiêu dùng trong việc phân biệt gốm sứ Bát Tràng và gốm sứ Trung Quốc kém chất lượng.
Dưới đây là một số cách giúp người tiêu dùng có thể phân biệt:
Duy Tiên