Hà Nam là vùng đất có bề dày lịch sử-văn hóa với kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, mang đậm bản sắc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Với gần 2.000 di tích các loại, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 95 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 133 di tích cấp tỉnh; 3 bảo vật quốc gia; 12 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hơn 100 lễ hội truyền thống, 40 làng nghề thủ công truyền thống... Cùng với đó là hệ thống sông núi, hang động nổi tiếng như: hồ Tam Chúc, hồ Ba Hang, núi Đọi-sông Châu, núi Cấm-Ngũ Động Sơn... đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các sản phẩm du lịch mang đặc trưng như: sản phẩm du lịch nông thôn với các làng nghề truyền thống: làng cá kho Đại Hoàng, làng Trống Đọi Tam, làng lụa Nha Xá... Du lịch văn hóa-tâm linh, lễ hội: chùa Bà Đanh, đền Trần Thương, chùa Long Đọi Sơn, đền Lảnh Giang, chùa Địa Tạng Phi Lai, Từ đường Nguyễn Khuyến, Khu tưởng niệm nhà văn-liệt sĩ Nam Cao; Lễ hội Tịch Điền, lễ phát lương Đền Trần Thương.
Đặc biệt là Khu du lịch Tam Chúc, điểm nhấn nổi bật của du lịch Hà Nam. Khu du lịch quốc gia Tam Chúc có tổng diện tích rộng 5.100ha, nơi có cảnh đẹp thiên tạo nguyên sơ, hùng vĩ. Tam Chúc được đánh giá là điểm đến du lịch hấp dẫn mang tầm quốc tế bởi những lợi thế tuyệt đối về cảnh quan thiên nhiên, nằm trong hệ của dải núi đá vôi hùng vĩ, là một trong những điểm kết nối di sản có giá trị Chùa Hương-Chùa Tam Chúc-Chùa Bái Đính. Năm 2019, chùa Tam Chúc là nơi được chọn đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hiệp quốc lần thứ 16, thu hút hàng triệu lượt tín đồ Phật tử, du khách trong và ngoài nước tham dự.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển Du lịch Hà Nam năm 2023, được tổ chức tại Khu du lịch Tam Chúc, ông Graham Cook, Chủ tịch Giải thưởng Du lịch thế giới đã đánh giá cao các giá trị văn hóa, lịch sử và du lịch của Hà Nam. Ông cho rằng, với chiến lược phát triển du lịch đang được thực hiện của địa phương, Hà Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách đặc biệt trong tương lai.
Phát biểu tại lễ khai mạc Tuần lễ Văn hóa du lịch tỉnh Hà Nam, đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam khẳng định: Tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tổng thể và phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng của các điểm du lịch; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, xúc tiến, nghiên cứu xây dựng lộ trình liên kết chặt chẽ với các vùng đầu mối tập trung khách du lịch của cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh để quảng bá cũng như tìm kiếm và kết nối các doanh nghiệp, đặc biệt với các hãng lữ hành lớn để tổ chức các tour du lịch mới hấp dẫn về tỉnh.
Trong lĩnh vực đối ngoại, xúc tiến đầu tư, Hà Nam đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các địa phương, tổ chức của nhiều nước, tiêu biểu là đất nước Nhật Bản. Tỉnh đã tổ chức rất thành công chương trình giao lưu Việt Nam-Nhật Bản qua nghệ thuật truyền thống Kyogen và Chèo, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam-Nhật Bản được tổ chức với mong muốn tiếp tục giới thiệu, tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống, mối quan hệ gắn bó, hữu nghị bền chặt giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc, giữa tỉnh Hà Nam và các địa phương, tổ chức của Nhật Bản.
Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, tỉnh Hà Nam nhận được sự chung tay hưởng ứng của doanh nghiệp, người dân, du khách, tất cả vì mục tiêu chung thúc đẩy hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế-xã hội của tỉnh, xây dựng Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Năm 2023, lượng khách du lịch đến Hà Nam ước đạt 4,38 triệu lượt người, trong đó có 131 nghìn lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch ước đạt 3.382 tỷ đồng.
Theo Nhandan