Bộ Tài chính cho biết, dự kiến tiếp tục trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm một số sắc thuế và các giải pháp điều hành giá liên quan đến xăng dầu để hạn chế lạm phát.
Theo đó, trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước liên tục tăng cao thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin, Bộ đang phối hợp các cơ quan có liên quan nghiên cứu phương án về khả năng tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này.
Bộ Tài chính dự kiến đề xuất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Đây sẽ là một trong những giải pháp nhằm kìm đà tăng của mặt hàng này từ nay đến cuối năm, từ đó giúp giảm bớt áp lực lạm phát.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, diễn biến gần đây cho thấy thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước.
Trước đó, ngày 21/4, Bộ Tài chính đã có công văn xin ý kiến các bộ, ngành địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đề xuất điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi xăng từ 20% xuống 12%.
Liên quan đến nội dung này, trao đổi bên lề quốc hội với báo chí, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương chia sẻ, giá xăng dầu đang "nóng" có ảnh hưởng đến sản xuất tiêu dùng và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế sau đại địch.
Vị đại biểu này đề cập, ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, giá xăng dầu còn tác động đến ngành vận tải, logistics, đẩy chi phí các ngành nghề khác tăng theo.
"Việc tăng giá xăng dầu do giá dầu thế giới tăng cao. Tác động này mang tính toàn cầu, nhưng Việt Nam cần thực hiện các giải pháp tổng thể để giảm thiểu tối đa tác động, rủi ro của việc tăng giá xăng đến đời sống nhân dân và sự phát triển chung của nền kinh tế", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu và cho rằng, Chính phủ cần sớm trình phương án giảm thuế với xăng dầu. Bộ Tài chính là đơn vị tham mưu cho Chính phủ để Chính phủ trình phương án giảm 50% thuế bảo vệ môi trường.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân- Đoàn TP. Hồ Chí Minh cũng cho hay, đời sống hiện nay vốn đã quá khó khăn do hai năm đại dịch COVID-19. Chúng ta không để giá cả tăng lên nữa để tiếp tục bào mòn đời sống của người dân. Nếu chúng ta không kịp thời có biện pháp kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu thì hệ quả về mặt lạm phát sẽ rất lớn, phải uống “một liều thuốc rất đắng”.
Và giải pháp nhanh nhất lúc này để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân là giảm thuế bảo vệ môi trường.
“Việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chỉ cần làm thủ tục trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Còn luật thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải làm đầy đủ các bước quy trình, phải đi qua các khâu từ Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế thẩm định, mất nhiều thời gian và thủ tục” - đại biểu Ngân nói.
Nguồn: congthuong.vn